Tiếng Việt | English

25/04/2017 - 10:31

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Đào tạo nhân lực từ nông dân

Công ty TNHH Nippon Zuki (Nhật Bản) đã lựa chọn Yên Bái để đầu tư Dự án chăn nuôi chế biến thỏ công nghệ cao với mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới hơn 1.700 tỷ đồng. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, để ngành này phát triển vững chắc, ngoài những tiến bộ khoa học và công nghệ thì nguồn nhân lực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không kém phần quan trọng.

Chính vì lẽ đó người nông dân cũng cần được đào tạo, huấn luyện để áp dụng được các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Nội lực từ nông dân

Cả nước có 70% dân số tham gia hoạt động vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, qua quá trình phát triển cơ giới hóa và lao động trực tiếp với nông nghiệp đã giảm, nhưng nguồn lực lao động vẫn chính là người nông dân.

Chương trình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nằm trong khuôn khổ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp Việt Nam vững mạnh hơn hiện cần nguồn nhân lực vững vàng, tiến bộ để thực hiện, đó chính là lực lượng nông dân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ, nguồn lực lao động trực tiếp phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao chính là nông dân. Đây là lực lượng tác động trực tiếp vào giống cây con và hoạt động trên chính mảnh ruộng của mình.

Thời gian qua, nhiều giống cây trồng và vật nuôi được nghiên cứu ra nhưng chưa đưa vào ứng dụng sản xuất nhiều cũng vì lực lượng lao động nông dân này chưa nắm bắt kỹ thuật, tìm hiểu thông tin học tập và đầu tư.

Do đó, khi nông dân biết áp dụng thành quả nghiên cứu vào sản xuất, tỷ lệ thành công chiếm một nửa, phần còn lại là do doanh nghiệp liên kết hỗ trợ thêm công nghệ sản xuất và tiêu thụ, phân phối ra thị trường.

Mặt khác, lực lượng lao động này phải biết tìm hiểu thông tin, cân nhắc khi sản xuất, không làm theo thói quen sản xuất tự phát, mà phải biết làm việc theo đơn đặt hàng, khoa học, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chính là bước đệm để sản xuất ra cây, con giống cung ứng cho nông dân, từ đó tạo ra chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

Giáo sư-tiến sỹ Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore cho biết, trong quá trình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, lực lượng nông dân đóng vai trò nòng cốt. Việc thay đổi nhận thức và tập quán của chính nông dân vốn không dễ dàng. Khi chính lực lượng này chấp nhận thay đổi thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao dễ dàng thực hiện.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ giới hóa trong nông nghiệp dù đã được áp dụng từ lâu, nhưng cũng chỉ mới phát triển được khâu làm đất, chiếm 95%, thu hoạch chiếm 70%.

Các khâu khác như gieo sạ, sấy, bảo quản còn chiếm tỷ lệ thấp, khoảng trên dưới 40%. Đó là chưa kể ứng dụng công nghệ khác vào sản xuất như quản lý dịch hại, nguồn nước, phân bón và bảo vệ thực vật.

Không những vậy, khi tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhiều nông dân còn lúng túng, một phần vì không biết cách sử dụng, một phần vì tốn kém trong đầu tư mà giá trị sản phẩm không cao, lợi nhuận thấp.

Tạo nhân lực chất lượng

Để nông nghiệp công nghệ cao khởi động trôi chảy và phát huy, chính nông dân phải tự tìm tòi, học hỏi, nâng khả năng sản xuất, tìm hiểu cách sử dụng công nghệ để áp dụng vào sản xuất.

Giáo sư-tiến sỹ Vũ Minh Khương nhấn mạnh, để nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đạt chất lượng, hiệu quả cần mối liên kết chặt chẽ, tâm huyết giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, doanh nghiệp áp dụng công nghiệp 4.0 hỗ trợ đắc lực nông dân ứng dụng công nghệ cao.

Tại Việt Nam hiện mới 70% nông dân có xu hướng tự tìm hiểu cách sử dụng công nghệ và áp dụng vào sản xuất.

Trong đó, 30% số nông dân này có tinh thần tìm tòi, sáng tạo cao, khả năng tìm được thị thường cho riêng mình nên đã đi tiên phong. 40% nông dân còn lại phải nhờ doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông thuyết phục và quan sát thấy nông dân khác thực hiện có hiệu quả mới áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và cần có doanh nghiệp phối hợp hướng dẫn, bao tiêu đầu ra thì lực lượng này mới có thể làm được.

Không những vậy, cần liên kết với các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao của nước ngoài cung cấp giải pháp, thiết bị và công thức thực hiện cụ thể, các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao trong nước sẽ ứng dụng phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp có thể đào tạo nông dân sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ sẽ mất đi tiềm năng phát triển lĩnh vực này.

Các thành quả nghiên cứu về giống cây, con chất lượng cao của các nhà khoa học cũng không phát huy được hiệu quả của nó và cũng không giúp ích được cho đại đa số nông dân Việt Nam , GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Hiện Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong áp dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghệ cao của khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng liên kết hợp tác với hơn 30 địa phương có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước.

Bằng những dự án cụ thể là hỗ trợ các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất, hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ quản trị sản xuất, đồng thời, đề xuất các chính sách thu hút doanh nghiệp lẫn nông dân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, phối hợp nghiên cứu các ứng dụng thiết thực cho sản xuất và liên kết đào tạo nhân lực, sử dụng thiết bị giữa các khu, vùng để tiết kiệm nhân lực, nguồn lực, thiết bị nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động trong lĩnh vực này.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau hình thành hệ thống đào tạo nhân lực, sử dụng hệ thống công nghệ, nhân lực thành thạo hiện có của chính doanh nghiệp để hướng dẫn cho nhân lực từ doanh nghiệp khác đến học tập.

Từ đó, các doanh nghiệp vừa tiết kiệm được nguồn kinh phí đầu tư thiết bị cho đào tạo, lực lượng giảng viên đào tạo và mục tiêu rộng hơn là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp ngược lại cho các doanh nghiệp khác," tiến sỹ Phan Công Chính, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ thêm./.

Hồng Nhung/TTXVN 

Chia sẻ bài viết