Tiếng Việt | English

27/01/2019 - 10:15

San sẻ khó khăn cùng công nhân

Cuộc sống chật vật vì thu nhập thấp, nhưng nhiều công nhân, lao động (CNLĐ) may mắn gặp được những chủ nhà trọ tốt bụng, sẵn sàng chia sẻ khó khăn để họ an tâm làm việc.

Bà Lương Thị Ngoai - chủ nhà trọ Thiên Lý (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), được hầu hết CNLĐ thuê trọ xem như “mẹ đỡ đầu”, bởi bà luôn quan tâm, chăm sóc họ như con cháu trong nhà. Những nữ CN xa quê mang thai, nuôi con nhỏ đều được bà tận tình chăm sóc, từ lúc đưa đi sinh đến lúc đi làm lại. Những ngày cận tết này, bà luôn tất bật, từ làm dưa hành, củ kiệu đến lạp xưởng,... tất cả đều để dự trữ cho CNLĐ không có điều kiện về quê, ở lại ăn tết với gia đình bà. Bà Ngoai chia sẻ: “Các con tôi đều có gia đình ở xa nên có mấy cháu CN ở gần, tôi thương tụi nó như con cháu trong nhà. Mấy ngày tết, tôi tập hợp các cháu lại một nhà chứ không để ở các phòng trọ.Có cháu làm quanh năm nhưng cũng không dư được đồng nào, 3-4 năm liền không có tiền về quê đón tết”.

Bà Lương Thị Ngoai - chủ nhà trọ Thiên Lý, được nhiều công nhân, lao động xem như “mẹ đỡ đầu”

Còn bà Nguyễn Thị Thanh - chủ nhà trọ ở khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, cho rằng: “Tôi xem CN ở trọ như con cháu trong nhà nên giúp được gì thì giúp. CN nhập cư người nào cũng khó khăn, do vậy 5 năm nay, tôi vẫn giữ nguyên giá thuê, chỉ từ 700.000-800.000 đồng/phòng, có gác lửng, nhà vệ sinh khép kín. Mỗi tháng, CN chỉ đóng tiền điện sử dụng trong phòng, tôi trả phần điện bơm nước, thắp sáng công cộng, tivi công cộng. Vì thế, CN ở khu trọ của tôi rất ít chuyển đi nơi khác, chỉ trừ những cháu nghỉ làm xí nghiệp chuyển về quê hoặc lấy chồng ở địa phương.Tết năm nào tôi cũng hỗ trợ những CN có hoàn cảnh khó khăn để các cháu có điều kiện vui xuân, đón tết”.

Chị Lê Thị Phương - CN Công ty Hành Mỹ (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), đang ở nhà trọ Lê Văn Theo, chia sẻ: “Trước đây, khi thuê trọ chỗ gần công ty, chủ nhà tính giá điện 4.000 đồng/kWh, do vậy tôi không dám mua sắm thiết bị điện nào ngoài chiếc nồi cơm điện nên mỗi ngày, khi tan ca đều phải ghé chợ mua thức ăn. Nhưng ở chỗ trọ mới này, cô chú chủ nhà tính giá điện 3.000 đồng/KWh. Vì thế, tôi dành dụm mua được cái tủ lạnh nhỏ để trữ thức ăn cho cả tuần và dự định sắm thêm bếp điện, quạt máy để sinh hoạt trong gia đình thuận tiện hơn”. 

Hàng tháng, CNLĐ không còn thấp thỏm chuyện chủ nhà đòi tăng giá tiền phòng, những lúc ốm đau, họ cũng thấy ấm lòng vì luôn được chủ nhà trọ quan tâm, chăm sóc. Mỗi khi tăng ca, CNLĐ cũng an tâm hơn vì con mình được đưa đón, chăm sóc tận tình. Nhiều chủ nhà trọ còn tắm rửa, thay quần áo, đút cho từng bé ăn, ru các bé ngủ khi cha mẹ các bé tăng ca,...Cách làm của nhiều chủ nhà trọ không chỉ giúp CNLĐ vượt khó mà còn góp phần gắn kết họ lại với nhau như một đại gia đình.

CNLĐ nhập cư vốn đã rất vất vả khi ở nhà thuê, thế nhưng có nhiều chủ nhà trọ cố tình lấy giá điện, nước cao.Ai phản ứng thì bảo đi chỗ khác thuê.Một lần chuyển chỗ ở là một lần khó khăn, nếu có nhiều chủ nhà trọ thông cảm, san sẻ những khó khăn thì CNLĐ sẽ bớt nhọc nhằn hơn. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều chủ nhà trọ sẵn sàng dang tay chia sẻ những gánh nặng mưu sinh cùng CNLĐ nghèo./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết