Tiếng Việt | English

01/03/2018 - 19:21

Sân khấu hóa, điện ảnh hóa các tác phẩm văn học: Tâm huyết của giáo viên môn Ngữ văn

Với mong muốn tạo sự hứng thú trong học tập và phát huy năng lực học sinh (HS), các giáo viên dạy môn Ngữ văn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Trong đó, hoạt động sân khấu hóa (SKH), điện ảnh hóa (ĐAH) các tác phẩm văn học mang lại hiệu quả tích cực.

Luôn vì sự học của học sinh

Thầy Nguyễn Trọng Hoàng - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - “cha đẻ” của hoạt động SKH, ĐAH các tác phẩm văn học, tâm sự: “Tôi từng trăn trở, làm sao thông qua những tiết học để truyền cảm hứng và tình yêu văn học cho HS. Từ suy nghĩ đó, tôi thiết kế hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, sáng tạo nhằm thu hút HS tham gia và các hoạt động SKH, ĐAH được ra đời”.

Học sinh thực hiện điện ảnh hóa tác phẩm văn học

Hơn 30 năm nay, những thế hệ HS của Trường THPT Rạch Kiến, đặc biệt là HS của lớp thầy Hoàng tham gia sôi nổi các hoạt động bộ môn Ngữ văn. Từ các hoạt động nhỏ như thi vẽ tranh, sưu tầm ca dao địa phương, trải nghiệm thực tế, đố vui,... thầy Hoàng mở rộng quy mô với hoạt động SKH, ĐAH các tác phẩm văn học.

Tuy nhiên, để các hoạt động thu hút HS và mang lại hiệu quả thiết thực, thầy và các giáo viên môn Ngữ văn phải không ngừng nỗ lực. Trong những tiết dạy trên lớp, các bài văn, thơ phải được truyền đạt một cách sinh động để HS cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn học. 

Thầy Hoàng cho biết: “Tôi luôn đồng hành cùng HS trong suốt các hoạt động nhằm động viên, nhắc nhở các em, giúp các em sửa những ngộ nhận, sai lầm về tác phẩm khi SKH, ĐAH; tư vấn, hướng dẫn HS sử dụng các phần mềm hay, hiệu quả nhằm phục vụ hoạt động trải nghiệm và tạo điều kiện để các em tự do sáng tạo. Có như vậy, HS mới thật sự hứng thú và phát triển năng lực bản thân”.

Để các hoạt động trải nghiệm sáng tạo ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng, bản thân thầy Hoàng cũng không ngừng học tập, trau dồi, cập nhật kiến thức mới. Đó không chỉ là kiến thức môn Ngữ văn mà còn là những kiến thức thuộc các lĩnh vực: Tin học, sân khấu, điện ảnh,... Nhờ vậy, hoạt động SKH, ĐAH các tác phẩm văn học của Trường THPT Rạch Kiến trở thành “điểm sáng” trong hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong môn Ngữ văn của toàn tỉnh.

Thay đổi suy nghĩ của học sinh về môn Ngữ văn

Từ mô hình của Trường THPT Rạch Kiến, nhiều trường khác cũng tổ chức hoạt SKH, ĐAH và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, Trường THPT Chuyên Long An tổ chức hoạt động này từ nhiều năm nay và thu hút đông đảo HS tham gia.

Tham gia làm phim, từng thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể

Tùy theo mỗi khối lớp, tác phẩm văn học, HS lựa chọn hoạt động trải nghiệm, sáng tạo SKH hoặc ĐAH. Ngoài ra, trong chương trình chính khóa của HS khối 10 và 11 có nội dung “Diễn xướng văn học dân gian” với 3-4 tiết/học kỳ. Qua đó, HS chuyển thể các tác phẩm văn học theo hình thức sân khấu, điện ảnh.
Em Lê Võ Sông Hương - HS lớp 10H, Trường THPT Chuyên Long An, cho biết: “Thật sự trước đây, em rất ngán học văn. Một phần do không có năng khiếu, một phần phải tập trung học môn chuyên. Tuy nhiên, sau khi tham gia hoạt động SKH, ĐAH các tác phẩm văn học, em thay đổi suy nghĩ. Em cảm thấy môn học này rất thú vị, đặc biệt khi các tác phẩm văn học được SKH, ĐAH trở nên sinh động, gần gũi với đời sống. Hiện, em tiến bộ rất nhiều ở môn học này”.

Còn em Nguyễn Thị Thúy Duy - HS lớp 12A2, Trường THPT Chuyên Long An, chia sẻ: “Tham gia hoạt động SKH, ĐAH các tác phẩm văn học, em hiểu hơn về tác phẩm và tìm được tình yêu với văn học. Trong năm học này, lớp em thực hiện 3 tác phẩm văn học: Vợ nhặt, Những đứa con trong gia đình và Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học của Trường THPT Chuyên Long An

Nhờ hoạt động SKH, ĐAH các tác phẩm văn học, HS dần yêu thích và cảm thụ được văn học. Qua đó, khắc sâu kiến thức, đặc biệt là tính cách nhân vật trong các tác phẩm được HS nắm rõ.

Cô Lê Thị Loan - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Long An, bộc bạch: “Hoạt động SKH, ĐAH các tác phẩm văn học là tâm huyết của các thầy, cô bộ môn Ngữ văn. Thông qua các hoạt động ấy, các em có cái nhìn mới về môn học này, hứng thú hơn trong học tập và các tác phẩm văn học trở nên gần gũi hơn với HS. Ngoài ra, một số HS phát huy khả năng về diễn xuất, viết kịch bản, quay phim, thiết kế trang phục,... góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai của các em”. 

Nhờ các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, đặc biệt là SKH, ĐAH các tác phẩm văn học, HS không còn e ngại trong học môn Ngữ văn. Từ đó, môn học cũng trở nên thú vị và gần gũi hơn với các em. Đó là “quả ngọt” từ sự nỗ lực và tâm huyết của các thầy, cô trong bộ môn Ngữ văn./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết