Khơi nguồn sáng tạo
Cuộc thi Sáng tạo TTN&NĐ diễn ra mỗi năm 1 lần do UBND tỉnh Long An tổ chức; Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường thực. Trải qua 13 năm, cuộc thi thu hút hàng chục ngàn đề tài sáng tạo từ HS trong độ tuổi từ 6-19 trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi.
Tham gia cuộc thi, các em được thỏa sức sáng tạo, hiện thực hóa những ý tưởng. Đó là các vấn đề gần gũi trong cuộc sống xung quanh các em, môi trường học tập. Bằng khả năng tư duy, sáng tạo, các em thực hiện ý tưởng với mục đích làm đẹp thêm cho đời, giúp ích cho xã hội. Tùy theo khả năng, độ tuổi, các em có những lựa chọn đề tài phù hợp. HS tiểu học phát huy thế mạnh làm sản phẩm tái chế, trang trí góc học tập, truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường. HS THCS, THPT thì thực hiện các ý tưởng độc đáo, táo bạo, mang tính thực tế cao nhờ ứng dụng kiến thức các môn học và tự nghiên cứu thêm các nguồn tài liệu. Và qua từng năm, số lượng, chất lượng các đề tài dự thi ngày càng tăng lên. Nhiều đề tài được đánh giá cao về tính kỹ thuật, hiệu quả, khả năng vận hành và ứng dụng thực tế.
Đề tài Máy tách hạt sen từ gương sen của em Võ Quang Phúc tạo được dấu ấn trong cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng năm 2018
Võ Quang Phúc - HS lớp 11K, Trường THPT Chuyên Long An, chia sẻ: “Em tham gia cuộc thi Sáng tạo TTN&NĐ năm học lớp 8 với đề tài Máy tách hạt sen từ gương sen và đoạt giải nhất cấp tỉnh. Máy ra đời từ thực tế cuộc sống ở quê hương Vĩnh Hưng của em. Thấy người dân mất nhiều thời gian để lấy hạt sen từ gương sen, em muốn vận dụng những kiến thức được học để làm ra máy tách hạt sen từ gương sen để mọi người đỡ vất vả hơn”.
Thông qua cuộc thi, những mong muốn, nguyện vọng của TTN&NĐ có điều kiện hiện thực hóa. Cuộc thi cũng tiếp lửa, khơi gợi tinh thần sáng tạo của các em để làm nên những sản phẩm thiết thực theo năng lực của mình.
Học sinh nghiên cứu, thử nghiệm trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng thành đề án, sản phẩm cụ thể
Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao
Từ 19 mô hình trong cuộc thi lần thứ 1, năm 2008-2020, cuộc thi thu hút hơn 640 đề tài dự thi của TTN&NĐ trên địa bàn toàn tỉnh ở các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho HS, Phần mềm tin học, Sản phẩm thân thiện với môi trường, Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế,... Nhiều đề tài để lại dấu ấn riêng trong các năm tổ chức cuộc thi.
Nổi bật trong cuộc thi lần thứ 4, năm 2011 là các đề tài: Chiếc máy xúc lúa với mong muốn có thể thay thế nông dân trong khâu phơi lúa, giúp tiết kiệm thời gian và công lao động; Xe rôbốt đa năng được thiết kế nhằm thay thế con người làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm như gắp, vận chuyển hàng, thám hiểm lấy mẫu vật hay đi đến những nơi con người không thể đến được như bị nhiễm phóng xạ, chất hóa học;... Còn cuộc thi lần thứ 8, năm 2015 có các đề tài được đánh giá cao: Mực viết từ thanh long, Nhang đuổi côn trùng làm từ vỏ bưởi, Hệ thống thu gom rác nhà cao tầng, Bàn là điện sạc, Máy đốt cỏ và rêu,... Trong đó, đề tài Bàn là điện sạc của Nguyễn Lê Hoàng Vương (HS Trường THPT Chuyên Long An, năm học 2015-2016) và Dụng cụ đốt cỏ và rêu của Trần Phú Quốc (HS Trường THCS Bình An, năm học 2015-2016) xuất sắc đoạt giải ba toàn quốc.
Máy rửa tay tích hợp đo thân nhiệt tự động được sử dụng tại Trường THPT Hậu Nghĩa
Đặc biệt là lần thứ 13, năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng “sức nóng” của cuộc thi không hề “hạ nhiệt”. Các đề tài sáng tạo tham gia cuộc thi không chỉ tăng về số lượng và chất lượng so với các năm mà nhiều sản phẩm còn có tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn cuộc sống. Một trong số đó là Máy rửa tay tích hợp đo nhiệt độ tự động của Lê Thiên Phú, Nguyễn Nguyễn Cường Phát, Huỳnh Tiến Sỹ - HS Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa). Đề tài giúp 3 em xuất sắc đoạt giải nhất cấp tỉnh. Đây là sản phẩm được sử dụng tại trường, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thiên Phú kể: “Thời điểm nhóm bắt đầu nghiên cứu là đang thực hiện giãn cách xã hội nên các thành viên làm việc online với nhau và tập trung vào nhiệm vụ cá nhân trước. Tuy nhiên, khi một thành viên nào đó gặp khó khăn thì các thành viên còn lại sẽ hỗ trợ ngay”.
Được biết, thực hiện Máy rửa tay tích hợp đo nhiệt độ tự động, các em vận dụng, tích hợp kiến thức của nhiều môn học: Tin học, Vật lý, Hóa học,... Và đa số những kiến thức áp dụng, các em chưa được học mà phải tự nghiên cứu và hỏi ý kiến của thầy, cô. Trong quá trình thực hiện, không biết bao nhiêu lần nạp code thất bại hoặc bị sự cố lúc thử nghiệm nhưng các em vẫn tin tưởng và quyết tâm thực hiện.
“Chúng em rất vui và tự hào khi sản phẩm mình nghiên cứu ra giúp ích được cho mọi người. Đó cũng là động lực giúp chúng em nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn cuộc sống” - Thiên Phú thổ lộ.
Với kết quả mang lại trong suốt chặng đường 13 năm qua, cuộc thi Sáng tạo TTN&NĐ khơi dậy tiềm năng và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo cho TTN&NĐ trên địa bàn tỉnh. Và cuộc thi cũng luôn đồng hành, giúp các em hiện thực hóa ý tưởng để có những đề tài hay, sản phẩm sáng tạo, góp phần giúp ích cho xã hội./.
Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng khơi dậy tiềm năng và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo cho thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh”. |
An Nhiên