Tiếng Việt | English

15/05/2020 - 21:32

Sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT - Trịnh Đình Dũng.

Tại điểm cầu Long An, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chủ trì

Tại điểm cầu Long An, Phó chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chủ trì. Theo báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, thì thiên tai năm 2019 có nhiều diễn diến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm thiểu, đặc biệt về người có 133 người chết và mất tích (so năm 2018 là 224 người, năm 2017 là 386 người); 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập , thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp , cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỉ đồng.

Các đại biểu cho rằng, từ đầu năm đến nay, cả nước nhiều đợt thiên tai bất thường, mức độ phức tạp, nguy hiểm: Dông lốc sét, mưa đá đã xảy ra,... đặc biệt hạn hán, xâm nhập mặn vượt kỷ lục năm 2016 tại đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, thời gian dài cách ly xã hội, tiếp sau là tập trung các nguồn lực đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, là những khó khăn rất lớn của công tác PCTT, đòi hỏi nỗ lực lớn để sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Riêng Long An, đầu mùa khô năm 2020, tình hình thiên tai xảy ra ước tổng thiệt hại khoảng 57,522 tỉ đồng. Thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn thiếu nước tưới vụ Đông Xuân 2019-2020 là 2.746,21ha (trong đó diện tích lúa thiệt hại trên 70% là 852,59ha, thiệt hại từ 30% -70% là 1.885,97ha; diện tích rau màu bị thiệt hại  trên 70% là 2ha và  từ 30% -70% là 5,65ha). Ngoài ra, có hơn 7.290 hộ dân sống phân tán bị khó khăn, thiếu nước sinh hoạt; Sạt lở, sụp lún đất thời gian qua cũng xảy ra phần nhiều tập trung tại khu vực các huyện Tân Trụ, Cần Giuộc, Thạnh Hóa.

Đầu mùa khô 2020, Long An thiệt hại do thiên tai (mưa dông, hạn mặn, sạt lở...) trên 57 tỉ đồng

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức báo động (BĐ) 1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức BĐ3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức BĐ1-BĐ2.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế công tác PCTT từ nay đến cuối năm 2020, Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Các địa phương cần nỗ lực, sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai, đây là công tác rất quan trọng liên quan tài sản, tính mạng người dân...; phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, nhất là các tình huống bão muộn trên biển Đông, đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ. Đồng thời, các địa phương khẩn trương kiểm ra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu tàu thuyền neo đậu trú tránh bão; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo phục vụ chỉ đạo, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết