Tiếng Việt | English

13/12/2020 - 09:05

Rau tết của mẹ

Những ngày cận tết có lẽ là khoảng thời gian bận rộn nhất của mẹ. Ngoài công việc đồng áng, mẹ còn tất tả chuẩn bị cho năm mới. Mẹ đợi trời hửng nắng giặt giũ mùng, mần và phơi nia dưa cải, dưa kiệu, mẹ đi chợ sắm sửa cho mâm cúng ông bà, làm bánh, mứt đãi khách, tảo tần dọn nhà, vun vén trước sau,...

Ảnh minh họa

Căn nhà nhỏ dưới bàn tay mẹ trở nên tươm tất, tết rộn rã về cũng bắt đầu từ tình thương vô ngần của mẹ. Xong việc, mẹ lại ra vườn chăm chút cho từng thửa rau. Mẹ và cha trong căn nhà nhỏ bên mảnh vườn chim hót lao xao, từng ngày bấm đốt ngón tay đợi đàn con về đoàn tụ.

Tôi thương mảnh vườn của mẹ, thương từng chùm quả, bụi rau mẹ trồng. Nhiều lần giữa phố xá tấp nập, khi lưỡng lự, đắn đo giữa chợ tìm mua một bó rau sạch, tôi lại quay quắt hình dung bóng mẹ guộc gầy đang lụi cụi ngoài vườn, tảo tần nhổ cỏ, tưới rau, vun xới... Mẹ mang về cho khu vườn nhỏ màu xanh mỡ màng, tươi tốt, mẹ chắt chiu, nâng niu từng chùm quả, ngọn rau. Biết đàn con ở phố nhớ quê, nhớ bó rau cải, trái mướp quê nhà, mẹ cần mẫn gieo hạt, chăm sóc, đợi ngày rau ăn được thì gói ghém gửi cho chúng tôi. Tết đến cũng là dịp cả nhà được sum vầy, mẹ dồn tất cả yêu thương vào khu vườn, vất vả gánh rơm từ đồng ruộng phủ lên từng luống đất, rồi nhẩm tính thời gian gieo hạt sao cho kịp ngày.

Tôi xa nhà ngần ấy năm, mùa tết nào khi tôi khăn gói trở về, mảnh vườn của mẹ cũng tràn vào tôi một màu xanh êm ả, khiến tâm hồn dịu lại sau bao sóng gió. Tóc mẹ dần ngả màu bàng bạc theo ngày tháng, khóe mắt khắc khoải của người lại dồn thêm những nếp nhăn. Chiếc nón cũ treo trên vách nhà hằn những vệt thời gian, cây đòn gánh dựng ở góc bếp cong cong như tấm lưng của mẹ…

Ở phố, sáng mở cửa để tiếng chim rót vào phòng, lòng lại da diết nhớ những ban mai dậy sớm, hít căng lồng ngực ngọn gió nguyên sơ ùa vào từ cánh đồng. Tôi nhỏ bé len lỏi trong mảnh vườn của mẹ mà nôn nao đợi ngày trái chín. Nhớ những ngày giáp tết, tôi háo hức theo mẹ gánh rau ra bán ở góc chợ xa, tay cầm theo chiếc đòn kê sờn cũ, đôi chân lẽo đẽo đi sau bóng mẹ trên con đường đất còn đẫm sương mờ. Hai chiếc thúng tre lủng lẳng đựng đậu cô ve, dưa chuột, rau muống, rau cải xanh mướt, có hôm mẹ chêm vào vài trái ổi, nải chuối thơm thảo để biếu những người quen. Mẹ dậy từ lúc đất trời còn thiêm thiếp giấc nồng, với tay cầm theo chiếc đèn măng-xông ra vườn cắt những vạt rau còn ươn ướt hơi sương rồi cột chúng lại thành từng bó nhỏ bằng dây chuối.

Cuối năm, trời lạnh nhiều, những cơn gió se sắt choàng vào tâm khảm tôi nỗi bùi ngùi nhung nhớ xa xưa, mà trong miền nhớ mênh mông ấy bao giờ cũng có bóng hình của mẹ. Mùa gió lạnh, sao nhìn đâu cũng thấy nhớ mẹ khôn nguôi. Chỉ nghe tiếng bước chân ai chậm rãi, lặng thầm mở cổng quét sân mà ngỡ như đang được ở quê nhà. Ngỡ như là những sớm mai nấn ná cuộn mình trong chăn ấm đợi tiếng mẹ gọi dậy, cùng mẹ ra thăm vườn, tưới nước cho rau trái rồi vào hiên nhà nhấp ngụm trà ấm ngồi uống bên cha. Tuổi trẻ khao khát kiếm tìm một bến đỗ hạnh phúc, để rồi một ngày ngồi bần thần trước bó rau xanh mẹ gửi vào mà nhận ra, hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn gói gọn trong một túi quà quê của mẹ. Hạnh phúc là khi được gác lại bao xô bồ, về nhà giúp mẹ đuổi đàn gà thích vào phá vườn rau, hay cùng cha dựng giàn cho dây bầu, dây bí. Hạnh phúc là biết mình còn một nơi chốn để về, biết mình còn đủ thời gian để nhớ, để yêu thương, để ngồi bên mẹ nghe gió rào rạt ùa qua tóc. Bếp nhà đỏ lửa, nghe tiếng cơm sôi lại rưng rưng những nỗi hàm ơn rằng ta còn cha mẹ bên đời.

Trở về sau một năm ngược xuôi vội vã, nhìn mảnh vườn của mẹ là biết tết đã hiện hữu sau cánh cổng nhà bình yên… ./.

Trần Văn Thiên

Chia sẻ bài viết