Tiếng Việt | English

01/09/2017 - 15:24

Rau an toàn chưa thu hút người tiêu dùng!

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng (NTD) còn băn khoăn, lẫn lộn giữa rau an toàn và rau không rõ nguồn gốc. Có lẽ, vì lý do đó, rau an toàn vẫn chưa tìm được “chỗ đứng” ổn định.

Khi cung chưa đủ cầu

Chị Nguyễn Thị Tâm, người nội trợ ở khu phố Bình Yên Đông 2, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết: “Mỗi lần đi chợ, tôi thường tìm mua rau an toàn nhưng không có nhiều điểm bán. Chợ phường 2 chỉ có 1 điểm bán rau an toàn của Phước Hòa. Hôm nào, điểm bán hàng đóng cửa, muốn mua phải vào siêu thị. Đôi khi, chỉ cần bó rau nấu canh mà phải vào siêu thị, gửi xe rồi chờ tính tiền, mất nhiều thời gian quá nên tôi đành mua bên ngoài. Mặt khác, điểm bán rau an toàn cũng không có đủ các loại rau, khi mình cần lại không có nên cũng phải mua rau bên ngoài”. Bà Trần Thị Dung, ngụ khu phố 1, thị trấn Cần Đước, cho biết thêm: "Ngay cả vùng chuyên canh rau màu Cần Đước, Cần Giuộc vẫn không có nhiều điểm bán rau an toàn để NTD lựa chọn. Ngoài ra, không ít người nội trợ còn “so đo” khi lựa chọn mua rau an toàn vì giá cao hơn”.

Người tiêu dùng khó phân biệt rau nào là rau an toàn

Theo ông Nguyễn Văn Gương (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), rau an toàn chưa có “chỗ đứng” ổn định vì chưa tạo được thương hiệu, niềm tin đối với NTD. Phần lớn nông dân trồng rau sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, tự tìm kiếm đầu ra cho nông sản”.

Thực tế, các điểm bán rau an toàn còn quá ít so với nhu cầu của NTD. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng về nguồn gốc thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ, tự phát vẫn chưa quyết liệt. Do đó, đến thời điểm này, NTD vẫn chưa có sự ưu tiên dùng rau an toàn.

Chị Trần Thị Nhiều - nhân viên bán hàng tại Cửa hàng Rau an toàn Phước Hòa (chợ phường 2, TP.Tân An), cho biết: “Mỗi ngày, cửa hàng có doanh thu bình quân gần 1 triệu đồng. Tôi nghĩ, nếu có nhiều điểm bán như thế này, NTD sẽ có thêm nhiều lựa chọn”.

Gian nan tìm “chỗ đứng”

Hiện nay, ở các chợ, từ chợ trung tâm đến các chợ quê, chưa chợ nào có khu dành riêng bán rau an toàn. Đa số người mua ở chợ đều không phân biệt được rau nào là an toàn. Ngay cả ban quản lý các chợ cũng không quan tâm; có đơn vị cho rằng, họ không có chức năng kiểm soát rau an toàn hay truy xuất nguồn gốc rau. Bà Đỗ Thị Nhung (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: "Tôi thấy hiện nay, NTD đi chợ hoặc đi siêu thị chỉ biết đặt niềm tin vào những dòng chữ “sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”, còn cách phân biệt rau an toàn dường như không ai biết”.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh trăn trở: “Rau an toàn của HTX vẫn chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu cung cấp cho thương lái và một số đầu mối thu mua cho các bếp ăn ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số xã viên phải tự mang sản phẩm ra chợ bán trực tiếp. Để sản phẩm rau an toàn có “chỗ đứng”, đáp ứng nhu cầu của NTD, HTX đầu tư xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác và ký kết hợp đồng với các đầu mối tiêu thụ. Có như vậy mới tạo được lòng tin đối với NTD”.

Rau an toàn: Bao giờ người tiêu dùng và người sản xuất “gặp nhau”? 

Cập Nhật 04-04-2017

Người tiêu dùng cần thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe gia đình, thế nhưng, rau an toàn vẫn đang “loay hoay” tìm nơi tiêu thụ, chưa thật sự đến được với người tiêu dùng.

Còn ông Nguyễn Văn Đức, người có thâm niên trồng rau hơn 10 năm ở ấp 2, xã Long Khê, huyện Cần Đước, cho biết: "Rau an toàn không bắt mắt hơn rau bình thường nên tâm lý NTD không ưa chuộng. Trong khi đó, quy trình trồng rau an toàn lại khắt khe, mất nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch lâu hơn trồng các loại rau khác nên giá thành cao hơn sản phẩm trồng thông thường. Ngoài ra, rau an toàn hiện chưa có thương hiệu, nhãn mác nên chưa tạo được lòng tin với NTD".

NTD phần lớn ngại vào các cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch vì tâm lý sợ giá cao nhưng thực tế, giá sản phẩm an toàn không chênh lệch nhiều so với các sản phẩm khác. Để việc sản xuất rau an toàn ngày càng phát triển, các ngành chức năng cần đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ nông dân và các HTX sản xuất rau an toàn ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản theo hướng VietGAP và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người trồng rau. Người sản xuất rau an toàn cũng phải chứng minh được cho khách hàng thấy rằng, sản phẩm của mình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi sản phẩm có nhãn hiệu, gắn logo VietGAP, các nhà thu mua, phân phối và NTD yên tâm sử dụng rau an toàn./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết