Tiếng Việt | English

06/09/2024 - 10:47

Quyết tâm vươn lên thoát nghèo

Không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước; siêng năng, chăm chỉ làm việc; quyết tâm vươn lên thoát nghèo;... là chia sẻ từ những chủ nhân của các lá đơn xin thoát nghèo.

Quyết tâm vươn lên thoát nghèo

Chị Phạm Thị Như Ngọc (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) hiện có cuộc sống ổn định từ dịch vụ cho thuê mâm cưới, hỏi

1. Xuất phát điểm khi mới ra riêng không bằng những cặp vợ chồng khác nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Chương (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) chưa bao giờ than trách số phận hay đổ lỗi cho cuộc đời. Thay vào đó, họ chăm chỉ làm việc, ai thuê gì cũng làm.

Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, cuộc sống của vợ chồng ông Chương đã tương đối ổn định, mua được 2ha đất trồng lúa.

Cứ ngỡ cuộc sống sẽ trôi qua êm đềm, hạnh phúc, vậy mà, biến cố lại ập đến khi vợ chồng lần lượt mắc bạo bệnh. Để có tiền chạy chữa thuốc men, 2ha đất và số tiền tích cóp không cánh mà bay.

Đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu với hoàn cảnh vợ chồng ông, UBND xã Bình Hiệp xét đưa gia đình vào danh sách hộ nghèo. Từ đó, ông được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo như hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm tiền điện, nhận quà nhân các dịp lễ, tết,...

Đặc biệt, xã còn tạo điều kiện cho ông vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Kiến Tường; đồng thời, hỗ trợ 1 con bò giống từ sự vận động của nguyên lãnh đạo Trung ương.

Nhờ sự giúp đỡ kịp thời này, vợ chồng ông Chương có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống và nuôi 2 người con học hành đến nơi, đến chốn. Khi cuộc sống ổn định, vợ chồng ông tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Ông Chương bộc bạch: “Thời gian qua, gia đình tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời đó mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định như hôm nay”.

2. Cuộc sống chưa hẳn hết khó khăn, vậy mà chị Phạm Thị Như Ngọc (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) mạnh dạn bàn bạc với chồng viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo. Bởi chị tin rằng, chỉ cần vợ chồng siêng năng làm việc, không ngừng phấn đấu, nỗ lực vươn lên thì chắc chắn cuộc sống sẽ ổn định.

Theo lời chị Ngọc, trước đây, hoàn cảnh gia đình chị vô cùng khó khăn. Khi ra riêng, cha mẹ hai bên đều nghèo nên không có gì để cho con. Vợ chồng chị đến TP.HCM làm công nhân. Cuộc sống gia đình nhờ đó dần ổn định hơn.

Rồi lần lượt 2 đứa con chào đời, chị phải ở nhà chăm sóc con, chỉ còn một mình chồng lao động kiếm tiền. Cuộc sống lúc này thường gặp cảnh “thiếu trước hụt sau”.

Thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, một người bạn dạy chị Ngọc làm bánh phu thê. Sau khi học thạo nghề, cộng với thu nhập không đủ sống nơi xứ người, vợ chồng chị Ngọc rời TP.HCM về quê khởi nghiệp.

Khi mới khởi nghiệp bằng nghề làm bánh phu thê và cho thuê mâm cưới, hỏi, vợ chồng chị Ngọc nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhờ chịu khó, ham học hỏi, dịch vụ cho thuê mâm cưới, hỏi của chị Ngọc ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện nay, hàng tháng, vợ chồng chị có thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Chị Ngọc chia sẻ: “Vợ chồng tôi còn trẻ, còn sức khỏe và công việc kinh doanh cũng đang phát triển nên tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo. Mình phải tự vươn lên trong cuộc sống, không thể trông chờ mãi vào sự giúp đỡ của người khác”.

Trong khi nhiều người không chịu thoát nghèo để được hưởng những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước thì vợ chồng ông Chương, vợ chồng chị Ngọc lại tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Hành động đẹp này càng minh chứng cho sự thay đổi ý thức tự vươn lên của người nghèo./.

Nhã Hân

Chia sẻ bài viết