Tiếng Việt | English

16/08/2023 - 09:05

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh: Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Thời gian qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em (QBTTE) tỉnh Long An quan tâm, thường xuyên tặng quà; học bổng; sách, vở; khám, chữa bệnh; hỗ trợ đột xuất;… góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) trên địa bàn.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ đột xuất 2 triệu đồng cho em Nguyễn Thị Thanh Thúy (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ)

Toàn tỉnh có trên 365.100 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 18% tổng dân số, trong đó, trên 2.700 trẻ em có HCĐB, trên 12.400 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Những năm qua, các cấp, các ngành dành nhiều nguồn lực chăm lo về vật chất lẫn tinh thần cho trẻ em.

Hàng năm, HĐND tỉnh đều ban hành nghị quyết phân bổ kinh phí 5 tỉ đồng để chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có HCĐB và trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, QBTTE tỉnh còn nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như tặng học bổng, xe đạp, sách, vở,…

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt chia sẻ: “Ngành Lao động luôn xác định công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có HCĐB là nhiệm vụ quan trọng, góp phần chăm lo cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Hàng năm, 100% trẻ em có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB đều được chăm sóc, bảo vệ dưới nhiều hình thức.

Từ đầu năm 2023 đến nay, QBTTE tỉnh vừa xuất ngân sách, vừa vận động các doanh nghiệp tặng trên 500 suất học bổng cho trẻ em có HCĐB; trợ cấp đột xuất cho 29 trẻ em có HCĐB và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”.

Khi vừa chào đời, em Nguyễn Thị Thanh Thúy (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) phải chịu cảnh mồ côi cha. Đến 18 tháng tuổi, gia đình phát hiện Thúy bị bệnh ung thư máu. Kể từ ngày phát hiện con bệnh, chị Trần Thị Lê Xuân (mẹ Thúy) nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con, chi phí thuốc men, sinh hoạt dựa vào ông, bà ngoại.

Chị Xuân trải lòng: “Từ tháng 4/2018 đến nay, Thúy tiêm 20 toa thuốc, mỗi toa từ 40-50 triệu đồng. Để có tiền lo cho con, tôi mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông, bà ngoại để vay ngân hàng. Mỗi lần tiêm thuốc, nhìn con đau, tôi cũng đau theo nhưng chỉ biết động viên con cố gắng vượt qua. Nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành như hỗ trợ đột xuất, tặng quà, học bổng,... mẹ con tôi có thêm niềm tin, động lực vượt qua bệnh tật”.

Đối với trẻ em sinh ra trong gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, việc được đi học, tiếp cận tri thức là con đường duy nhất để thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Cha của em Hồ Lê Văn Trí (ấp 4, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) vừa mất do bị tai nạn, còn mẹ bỏ đi khi em còn rất nhỏ.

Hiện Trí và 2 người chị gái sống nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ. Để có điều kiện lo cho các em, chị hai của Trí phải nghỉ học đi làm nhưng thu nhập rất bấp bênh. Do đó, chi phí đầu năm học mới là gánh nặng với gia đình Trí. Em Trí nghẹn ngào: “Nhận được học bổng 1 triệu đồng, em mua quần, áo, sách và dụng cụ học tập. Em sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi, vâng lời thầy, cô để xứng đáng với sự quan tâm của mọi người”.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng học bổng, vở cho trẻ em vào dịp năm học mới 2023-2024

Em Trần Thị Ngọc Hân (ấp 1, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) mồ côi cha lúc 5 tuổi, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình dựa vào số tiền làm công nhân của mẹ. Năm học mới, em mong ước có bộ quần, áo mới để đi học nhưng thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, em không dám đòi mẹ mua.

Ngày nhận được suất học bổng 1 triệu đồng từ QBTTE tỉnh, Hân xúc động nói: “Năm học mới, em có tiền mua quần, áo mới. Số tiền còn dư, em sẽ đưa cho mẹ mua sách, vở. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có điều kiện chăm lo cho mẹ”.

Bằng sự tận tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trẻ em có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB không đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn. Chăm lo cho trẻ em cũng là một trong những hoạt động góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

Minh Thư - Lê Ngân

Chia sẻ bài viết