Quảng bá tại chỗ
Việc miễn visa đơn phương cho 5 thị trường khách Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha) trong vòng 1 năm, có hiệu lực từ 1/7/2015, được xem là “đòn bẩy” giúp du lịch Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng. “Cùng với các hoạt động xúc tiến quảng bá tại hội chợ du lịch, các kênh ngoại giao... hoạt động xúc tiến tại chỗ được coi là một trong những giải pháp quan trọng, bởi theo khảo sát có tới 90% khách quốc tế đến Việt Nam là do truyền miệng. Do đó, thông tin về chương trình miễn visa, những sản phẩm mới đã được phổ biến chi tiết tới hướng dẫn viên, lễ tân và những người làm dịch vụ du lịch”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết.
Khách du lịch xem biểu diễn nghệ thuật đường phố tại phố Tạ Hiện (Hà Nội).
Để quảng bá tại chỗ, chính quyền địa phương và người dân đóng vai trò quan trọng, trong đó có việc tạo ra sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của vùng miền, cải thiện chất lượng môi trường địa phương gắn với gìn giữ các yếu tố truyền thống. “Nếu du khách cảm thấy thoái mái, thân thiện thì chính du khách là người quảng bá hiệu quả nhất cho du lịch Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, trái với tiềm năng phong phú, sản phẩm du lịch Việt Nam ít được thay đổi trong suốt thời gian dài. “Các tỉnh thành vẫn chưa hình thành sản phẩm đặc thù, sản phẩm du lịch biển vẫn chỉ là tắm biển, lướt sóng, lặn ngắm san hô… Các điểm du lịch đang khai thác như vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chỉ khai thác loại hình tham quan, mà loại hình này giá trị kinh tế thấp và khó thu hút khách trở lại lần thứ hai. Trong khi đó, loại hình du lịch nghỉ dưỡng vẫn còn rất ít”, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét.
Đi kèm với hạn chế về sản phẩm du lịch, công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam đang bị phân tán. “Xúc tiến du lịch đòi hỏi có chuyên môn, nhưng hiện nay có tình trạng nhiều đơn vị, cơ quan tổ chức hoạt động giao lưu nước ngoài đều “gắn mác” xúc tiến du lịch. Điều này dẫn đến một số sự kiện gần đây, người đến tham quan các gian hàng thấy hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt, thậm chí không còn nhận ra hình ảnh du lịch Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Liên kết du lịch: Miền Nam sôi nổi, miền Bắc èo uột
Việc hình thành liên kết giữa các đơn vị dịch vụ, đặc biệt là với hàng không, sẽ tạo ra những lợi thế thu hút khách. Điều này thấy rõ qua liên minh kích cầu khu vực phía Nam đang phát huy hiệu quả. Theo thống kê của nhóm khuyến mại kích cầu du lịch nội địa phía Nam, khảo sát từ 10 đơn vị tham gia chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc", từ đầu năm đến nay, gần 70.000 khách mua tour trọn gói, tăng 99% so với cùng kỳ năm 2014. Các điểm đến sử dụng vé máy bay của 4 hãng là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar và Vasco theo chương trình kích cầu là Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và Hải Phòng. Theo ông Trần Thế Dũng, Phó trưởng nhóm liên minh kích cầu miền Nam: “Một trong những nguyên nhân thành công của việc thu hút khách này do hợp tác giữa hàng không được triển khai sớm và các đối tác dịch vụ có cam kết rõ ràng về giảm giá, nhờ đó đã tạo hiệu ứng cụ thể”.
Trong khi lượng tour kích cầu tại khu vực phía Nam bán khá chạy, thì tại miền Trung và miền Bắc, số người hỏi mua tour kích cầu không cao, do liên kết khá lỏng lẻo. Chị Nguyễn Thị Huyên, giám đốc điều hành Vietrantours cho biết: “Ngành du lịch Hà Nội có triệu tập cuộc họp đề ra phương án giảm giá với mục tiêu giảm giá tối thiểu 10%, nhưng các đơn vị lữ hành không có danh sách giá của các nhà cung cấp với mức giảm cụ thể cho từng nhóm khách hàng. Hầu hết việc giảm giá đối với doanh nghiệp lữ hành ngoài Bắc phụ thuộc vào sự đàm phán của từng doanh nghiệp, dựa trên số lượng khách kỳ vọng của mỗi bên”.
Từ tháng 8, khi học sinh đi học trở lại, lượng khách đi du lịch nội địa theo hình thức gia đình giảm hẳn, thậm chí một số trục đường bay “hot” dịp hè đã phải cắt giảm chuyến. Do đó, để thu hút khách nội địa theo chương trình kích cầu “Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc", các địa phương cần có hành động cụ thể như hỗ trợ vé tham quan, các chương biểu diễn nghệ thuật… đồng thời ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, phát động phong trào cởi mở, thân thiện với du khách. Đây sẽ là động lực thu hút khách trong thời gian tới, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ tại các địa phương./.
Theo TTXVN