Đăng ký tự quản cột mốc, ông Huỳnh Khánh Nhạc (đứng giữa) thường xuyên coi sóc, lau chùi cột mốc 203 được cắm trên đất sản xuất của mình
Thỉnh thoảng trong lúc làm đồng, ông Huỳnh Khánh Nhạc ở ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tranh thủ dọn dẹp cỏ và lau chùi cột mốc biên giới 203. Việc đó, trước giờ ông vẫn làm nhưng từ khi đăng ký tự quản cột mốc ông cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo vệ cột mốc biên giới đang cắm trên mảnh ruộng của mình. Suốt cả đời gắn bó với biên giới, được nghe tuyên truyền nhiều về việc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn tình cảm láng giềng hòa hiếu giữa ta và nước bạn, ông Nhạc ý thức rõ hơn hết về trách nhiệm của mỗi người dân đang sinh sống dọc đường biên.
Ngồi uống ly trà trong hiên gió, dưới cái nắng như đổ lửa, ông Nhạc đưa mắt nhìn ra cánh đồng trơ gốc rạ nói như nói với chính mình: “Cột mốc trên đất mình thì mình bảo vệ, trông chừng. Mình thăm ruộng mỗi ngày thì trông nom cột mốc luôn. Nếu có gì bất thường thì báo ngay cho các anh biên phòng. Nhiệm vụ chung của toàn dân mà, đâu có riêng ai.”.
Đúng là không của riêng ai khi 100% hộ dân có đất dọc 18,5km đường biên giới thuộc quản lý của đồn biên phòng Bình Hòa Tây đều đăng ký tự quản đường biên cột mốc. 8 hộ khác như hộ ông Nhạc, có cột mốc cắm trên đất sản xuất nên đăng ký tự quản cột mốc. Những hộ còn lại đều đăng ký tự quản an ninh trật tự.
Thượng tá Nguyễn Hoa Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây cho biết đó là một trong những nội dung bộ đội biên phòng thực hiện nhằm thực hiện tốt việc phối hợp với nhân dân trong bảo vệ đường biên, cột mốc. Đồn tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như: Luật Biên giới Quốc gia, Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, công tác phân giới cắm mốc, Nghị định 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về “Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam” cho gần 5.000 lượt người dân khu vực biên giới.
Ngoài tuyên truyền kiến thức, bộ đội biên phòng còn hướng dẫn người dân cách thức đoàn kết cùng nhau bảo đảm an ninh trật tự. Mô hình Tiếng kẻng vùng biên được triển khai và thực hiện rất hiệu quả. Giờ, tất cả các hộ dân đều có kẻng và được hướng dẫn kỹ tiêu lệnh gõ. Ông Văn Công Cường ở ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường nói về mô hình tiếng kẻng vùng biên: “Mô hình do bộ đội biên phòng hướng dẫn dân thực hiện. Khi tình hình bất ổn, người dân gõ kẻng đúng tiêu lệnh thì mọi người sẽ hiểu và tập trung lại. Nhờ vậy an ninh trật tự ngày càng ổn định hơn”.
Và một trong những minh chứng cụ thể cho hiệu quả của mô hình tiếng kẻng vùng biên chính là chuyện quanh cột mốc 202 và 203 vào năm 2015 khi một số người Campuchia sang khu vực này gây rối. Thượng tá Hùng khẳng định: “Người dân sử dụng rất hiệu quả tiếng kẻng để kêu gọi tập hợp, cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc.”
Dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì sự gắn bó quân dân ở nước ta nói chung và tỉnh nhà nói riêng là luôn luôn đúng. Những câu chuyện ở vùng biên giới Mộc Hóa, Kiến Tường giúp chúng tôi hiểu rõ hơn điều đó. Người dân và bộ đội biên phòng đồn Bình Hòa Tây “chung lưng đấu cật” sát cánh bên nhau vì bình yên biên giới./.
Phương Phương