Tiếng Việt | English

02/07/2022 - 13:35

Quân - Dân miền phên dậu

Ờ vùng biên giới, trên mọi nẻo đường biên, từng góc xóm đều in dấu những bước chân thầm lặng của các chiến sĩ công an, biên phòng, dân quân ngày đêm tuần tra canh gác bảo vệ đường biên, cột mốc. Và quân - dân như những “cột mốc sống” luôn vững vàng nơi biên cương Tổ quốc.

Người dân trên tuyến biên giới và lực lượng chức năng đoàn kết, chung sức bảo vệ vững chắc biên giới

Trở lại ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An vào một ngày cuối tháng 6, đứng trên đường tuần tra, không xa là cột mốc 202 và 203 vững chảy nơi biên giới, phía bên kia là xã Tà Nốt, huyện Cam Pông Rồ, tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia, mảnh ruộng của ông Huỳnh Văn Tươi chỉ cách một bờ nhỏ là ruộng lúa của người dân nước bạn Campuchia. Hôm đó, vợ chồng ông Nhạy Chanh Tha sang vần công nhổ cỏ lúa giúp ông Tươi. Được ông Tươi làm “chuyên gia” tư vấn về kỹ thuật, giống nên lúa nhà ông Chanh Tha luôn trúng mùa. Tìm hiểu được biết, gia đình ông Tươi có 5 thế hệ gắn bó với vùng biên này hơn 40 năm và vợ ông là con gái nuôi của một người mẹ Campuchia. Ông Tươi chia sẻ: "Bình Bắc là nơi “chôn nhau cắt rốn”, bất luận hoàn cảnh nào tôi và người dân ở đây vẫn bám đất, giữ biên cương và góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với người dân nước bạn. Không những gia đình ông mà người dân ở đây vừa làm ruộng, chăn nuôi, vừa tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi phát hiện buôn lậu, gây rối là người dân báo ngay cho lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng".

Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa - Hoàng Thị Thùy Như cho biết: Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới qua địa bàn được bảo đảm. Đời sống dần nâng chất, người dân ý thức cao trong giữ gìn biên giới. Song song đó, địa phương chú trọng xây dựng các lực lượng dân quân, biên phòng, công an đạt số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chia tay vùng biên giới Bình Bắc, chúng tôi đến xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, địa bàn có đường biên giới dài nhất và có 2 cột mốc 228, 229. Đến ấp Bình Tứ cặp theo kênh Cái Cỏ, cụm dân cư Bình Tứ nằm sát biên giới, chỉ cách nước bạn một con đê đã có từ bao đời. Người dân hai bên ấp Bình Tứ và xã Ba Sắc, huyện Svay Chụm, tỉnh Svay Riêng qua lại làm ăn, sinh sống và kết nghĩa “cờ lơ” (anh em) với nhau từ rất lâu. 100% người dân trong ấp đều ý thức rất cao trong việc giữ gìn an ninh biên giới cũng như xây dựng mối quan hệ đoàn kết với người dân nước bạn. Mỗi khi có vụ việc xảy ra, một nhà dân đánh kẻng báo hiệu là cả xóm đều rền vang tiếng kẻng nên tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn được giữ vững.

Bà Châu Kim Liên (tên quốc tịch Việt Nam), huyện Chanhtria, tỉnh Svay Riêng, theo chồng về sinh sống ở đây gần 50 năm, phấn khởi nói: "Gia đình tôi được quan tâm tạo điều kiện làm ăn, sinh sống và vay vốn mua bò. Dù không là dân Việt Nam gốc nhưng tôi rất gắn bó với mảnh đất này".

Đến xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, vùng biên giới đã nhiều khởi sắc. Bên cạnh Điểm dân cư liền kề Chốt Dân quân biên giới với 20 căn nhà rất khang trang, cuộc sống người dân vùng biên giới những năm gần đây cũng từng bước ổn định, phát triển. Người dân cũng hỗ trợ tích cực cùng chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng trong công tác bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới.

Chia tay vùng biên giới, hình ảnh những người dân chân chất, mộc mạc nhưng rất đỗi kiên định khiến chúng tôi nhớ mãi. Ở nơi ấy, tình đoàn kết láng giềng ngày thâm bền chặt, quân - dân như những “cột mốc sống” luôn vững vàng nơi biên cương Tổ quốc./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết