Tiếng Việt | English

28/12/2022 - 14:50

Quà Tết có thể “ẩn mình” trong các quan hệ xin - cho, vụ lợi

Để ngăn chặn những biến tướng trong biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo, ngoài một hành lang pháp lý đủ mạnh thì cần một lối chặn bên trong là đạo đức người cán bộ, sự gương mẫu của người đứng đầu.

Nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg, trong đó nhấn mạnh: Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Trước đó, ngày 18/11 Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị số 19-CT/TƯ về việc tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cũng nghiêm cấm các hành vi biếu quà cấp trên.


Ảnh minh họa.

Xưa nay, mỗi năm Tết đến xuân về, trong tâm thức của người Việt, tặng quà là cách để trao gửi niềm yêu thương, sự trân trọng. Tuy nhiên, nét văn hóa này nhiều năm trở lại đây đã bị biến tướng trở thành nạn biếu xén, quà cáp mang tính tiêu cực, thậm chí là hối lộ, móc ngoặc vụ lợi. Điều đáng lo ngại nữa là việc biếu quà Tết cho cấp trên trở thành việc được coi là bình thường. 

Ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu tình trạng biến tướng này không được ngăn chặn thì sẽ gây những hệ lụy khôn lường, đặc biệt đây sẽ là cơ hội, là “đất sống” cho tệ tham nhũng, hối lộ.

“Tôi thấy rằng, chúng ta cũng không nên quá cực đoan về chuyện là có nên hay không nên biếu quà Tết cho cấp trên và biếu quà lẫn nhau. Trước hết, quà Tết cũng như là quà bình thường trong những dịp trọng đại, đó là nét đẹp truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam chúng ta. Nhưng vấn đề đáng lo ngại là sự biến tướng. Đó là hối lộ trá hình, nó biến cái đẹp của người Việt Nam thành những mưu đồ mang tính vụ lợi, thì chúng ta cần phê phán” – ông Lê Như Tiến bày tỏ.


Ông Lê Như Tiến tại phòng thu VOV2.

Thời gian gần đây có một số vụ việc đã bị xử lý như trường hợp 2 cựu lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai, trong 14 lần nhận hối lộ lên tới hơn 14 tỷ đồng, chủ yếu nhận thông qua hình thức tặng quà Tết. Hay vụ việc 2 công chức nhận quà biếu Tết trị giá 55 triệu đồng ở Đà Nẵng năm ngoái cũng đã bị xử lý. Tuy nhiên tình trạng biếu tặng quà Tết cấp trên vẫn diễn ra dù xã hội lên án. Với chỉ đạo cấm biếu quà Tết cho cấp trên mà Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành liệu có giúp xóa bỏ nạn này? Làm sao để chỉ đạo được thực thi một cách thực chất, có hiệu quả, chứ không chỉ là hô hào khẩu hiệu, mang tính hình thức, chung chung?

Theo ông Lê Như Tiến, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh bổ sung các quy định vào những bộ luật như Luật viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật tố tụng hình sự… Bên cạnh đó, cần phải có những vụ việc xử lý làm điểm một cách nghiêm khắc mới có tính răn đe, đồng thời cần tăng cường thanh tra, giám sát, đặc biệt là giám sát cộng đồng, khuyến khích tố giác, có những quy định để bảo vệ người tố giác. “Chúng ta phải đồng thời xây dựng nhiều “bộ lọc” để ngăn chặn tình trạng biếu quà Tết trá hình” - ông Lê Như Tiến nêu ý kiến.


Ảnh minh họa.

Có một thực tế là hiện nay việc quà cáp, biếu xén đã tinh vi hơn trước rất nhiều. Chỉ cần 1 cú điện thoại hay thuê người giao hàng, rất kín đáo, không phô trương, không trực tiếp.... Thêm nữa nếu việc biếu xén diễn ra nơi công sở thì còn có thể phê bình, kỷ luật chứ ở nhà riêng là quan hệ cá nhân, riêng tư… pháp luật rất khó để có thể quy định được rõ ràng. Và chính điều này đã gây khó cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý.

Thế nhưng, dù có khó khăn như thế nào, dù có xây dựng khung pháp lý vững chắc đến đâu thì theo ông Lê Như Tiến, yếu tố con người, đặc biệt là sự nêu gương của người đứng đầu trong câu chuyện này vẫn là mấu chốt. Bởi nếu bản thân các quan chức mà không liêm chính, thiếu lòng tự trọng… thì vấn nạn này không những không thể chấm dứt mà còn dẫn đến những biến tướng ngày càng tinh vi, khó kiểm soát… “Thực ra cũng còn nhiều bộ lọc khác chứ không chỉ một bộ lọc pháp lý. Chúng ta cần xây dựng một bộ lọc rất quan trọng, đó là bộ lọc đạo lý liêm chính, lòng tự trọng của cán bộ công chức” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Biếu quà, tặng quà là thể hiện truyền thống trọng tình nghĩa, một nét văn hóa truyền thống của người Việt ta. Nhưng nó cũng rất dễ bị lợi dụng để “ẩn mình” trong các quan hệ xin - cho hoặc móc ngoặc vụ lợi. Để ngăn chặn những biến tướng tiêu cực trong biếu tặng quà Tết, ngoài sự ngăn cấm của một hành lang pháp lý, một cơ chế kiểm soát, giám sát thật cụ thể với những chế tài đủ mạnh thì còn có một lối chặn bên trong là đạo đức người cán bộ - hay nói cách khác là văn hóa cán bộ, văn hóa công chức. Quà biếu Tết dù có đi bằng hình thức nào, bằng con đường nào thì sự gương mẫu của người lãnh đạo vẫn là yếu tố cốt lõi để từ chối “những viên đạn bọc đường” ấy. Có như vậy nạn “phong bao, phong bì” mới được đẩy lùi, để văn hóa quà Tết trở về với đúng nghĩa như nó vốn có./.

Thu Hà/VOV2

Chia sẻ bài viết