Tiếng Việt | English

25/06/2018 - 19:32

Phụ nữ Tân Hòa giúp nhau phát triển kinh tế

Nhờ duy trì những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, những năm qua, đời sống của hội viên, phụ nữ (HVPN) không ngừng được nâng lên.

3 giúp 1

Ở ấp Văn Phòng, chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1974) được nhiều người biết đến là một trong những điển hình vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Chị Lệ chia sẻ: “Chồng tôi bị bệnh, không thể lao động nặng, 2 con lại còn nhỏ nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê của tôi không đủ trang trải chi phí thuốc thang cho chồng và sinh hoạt hàng ngày”.

Trước hoàn cảnh đó, chị Lệ được địa phương xem xét, xây tặng nhà tình thương. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện mô hình “3 giúp 1” (3 hộ HV khá, giàu giúp đỡ 1 hộ HV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn), HVPN tổ 7, ấp Văn Phòng hỗ trợ vốn, con giống, thức ăn gia súc không tính lãi để chị Lệ nuôi heo. Chị tích góp được một ít vốn, cải tạo gần 1.000m2 đất vườn để trồng rau màu. Nhờ HVPN hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nên việc sản xuất đạt hiệu quả, thu nhập gia đình từng bước được cải thiện.

Cơ sở may gia công túi xách tạo việc làm thường xuyên cho hội viên, phụ nữ

Không riêng gia đình chị Lệ, rất nhiều HVPN trên địa bàn được Hội LHPN xã tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tư vấn phương thức phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực. “3 năm qua, nhờ thực hiện mô hình “3 giúp 1”, có 3 HVPN thoát nghèo bền vững, nhiều chị em khác có cuộc sống ổn định hơn. Toàn xã hiện có 784 HVPN, chỉ còn 47 hộ nghèo do PN làm chủ hộ” - Chủ tịch Hội LHPN xã - Đoàn Thị Đào cho biết.

Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

Có được kết quả trên, Hội LHPN xã thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá nguyên nhân nghèo của các gia đình do PN làm chủ hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Theo chị Đoàn Thị Đào, qua tìm hiểu, hầu hết chị em rơi vào cảnh nghèo vì lớn tuổi, bệnh tật, mất sức lao động. Một số chị em khác gặp khó khăn do thiếu đất, vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất nên hội tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Hiện nay, hội quản lý 6 tổ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng số tiền trên 5,8 tỉ đồng. Ngoài ra, 7/7 chi hội còn duy trì hơn 50 tổ tiết kiệm, góp vốn xoay vòng. Ngoài hỗ trợ vốn, các chị em còn được tham gia các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và giới thiệu việc làm tại các cơ sở may túi xách gia công hoặc nhận đan giỏ nhựa, ghế nhựa. Với công việc này, chị em vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa có thể chăm lo cho gia đình và cải thiện thu nhập.

Chị Đoàn Thị Đào thông tin thêm, trên địa bàn xã hiện duy trì hiệu quả 1 cơ sở đan ghế nhựa và 2 cơ sở may túi xách gia công ở ấp Tây Bắc với gần 60 chị em tham gia. Một số chị em nhận các sản phẩm về nhà làm với thu nhập trung bình 50.000-150.000 đồng/ngày. Bà Lê Thị Mười (SN 1954) - HVPN ấp Tây Bắc, bộc bạch: “Qua sự giới thiệu của hội, tôi nhận xếp giỏ xách được gần 3 năm nay. Công việc này rất phù hợp với tôi. Nếu làm thường xuyên, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 70.000 đồng nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”.

Những mô hình hỗ trợ nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế của PN Tân Hòa thực sự phát huy hiệu quả. Qua đó, giúp HVPN từng bước cải thiện cuộc sống và góp phần thu hút, tập hợp chị em tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết