Tiếng Việt | English

28/03/2021 - 14:50

Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình

Phong trào phụ nữ (PN) giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ngày càng thu hút đông đảo hội viên (HV) tham gia. Qua phong trào, đời sống của gia đình HV, nhất là HV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH tại các địa phương.

Các tổ hợp tác của phụ nữ chủ yếu là liên kết trồng bưởi, thanh long, rau sạch,...

Duy trì nhiều mô hình giúp nhau phát triển

Xác định phong trào PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình là một trong những nội dung trọng tâm, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh Long An chỉ đạo cơ sở tập trung thực hiện phong trào gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hội LHPN các cấp chú trọng tuyên truyền, vận động HV áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Các cấp Hội chú trọng duy trì mô hình doanh nghiệp nhỏ do PN làm chủ, tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác gắn với tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững. Toàn tỉnh hiện có 271 tổ liên kết, 221 tổ hợp tác (1.927 thành viên) và 24 hợp tác xã do nữ làm chủ. Các tổ hợp tác chủ yếu là liên kết trồng bưởi, thanh long, rau sạch; nuôi bò sữa; may gia công, đóng giày, may giỏ xách;...

Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao ấp 8, xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành) - Nguyễn Thị Út Nhì chia sẻ: “Tham gia tổ hợp tác, tôi cùng các chị em được hướng dẫn kỹ thuật trồng, hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, trang bị hệ thống tưới tự động nên giảm chi phí sản xuất cũng như công lao động. Tổ hợp tác là nơi để chị em trao đổi, giúp nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

Mô hình “Nuôi heo đất” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thạnh Hóa được đông đảo chị em đồng tình hưởng ứng

Để có nguồn vốn hỗ trợ, chăm lo cho PN nghèo, khó khăn, Hội LHPN các cấp duy trì nâng chất xây dựng, củng cố hiệu quả hoạt động các mô hình: Tiết kiệm tín dụng, góp vốn xoay vòng; Vòng tay nhân ái; Chai nhựa yêu thương; Nuôi heo đất; Ai có lòng đến cho, ai thiếu đến nhận; Thị trấn không rác; Vườn rau dinh dưỡng; Trồng rau ứng dụng công nghệ cao;… Các mô hình nhận được sự đồng tình hưởng ứng của chị em, góp phần nâng cao đời sống, chung sức thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

“Chắt chiu” xây dựng đời sống gia đình

Giúp chị em có vốn phát triển sản xuất, các cấp Hội duy trì mô hình tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng, góp vốn xoay vòng không tính lãi hoặc lãi suất thấp. Từ nguồn vốn nhỏ này, nhiều chị em “chắt chiu” để trang trải, chăm lo xây dựng gia đình. Năm 2020, các địa phương duy trì thực hiện tốt các mô hình tiết kiệm tại chi, tổ hội với tổng số tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên 272 tỉ đồng.

Hội viên, phụ nữ Cần Đước sinh hoạt và lồng ghép thực hiện mô hình tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng và góp vốn xoay vòng

Điển hình trong hoạt động này là Hội LHPNVN huyện Cần Đước. Toàn huyện có 492 tổ, nhóm PN tham gia tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng và góp vốn xoay vòng tại chi, tổ hội PN (có 10.088 thành viên) với số tiền tiết kiệm trên 6,8 tỉ đồng, hiện có 4.453 PN được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình. Các nguồn vốn được các chi, tổ hội mở sổ theo dõi, quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích.

Các cấp Hội LHPNVN TP.Tân An thành lập và duy trì 795 tổ tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng, vốn xoay vòng, có 10.132 thành viên tham gia với số tiền tiết kiệm trên 5,5 tỉ đồng. Các cấp Hội duy trì hoạt động các mô hình tổ hợp tác kinh tế (trồng bưởi da xanh, trồng thanh long), liên kết sản xuất và giới thiệu PN vào làm tại các công ty, xí nghiệp.

Chủ tịch Hội LHPNVN TP.Tân An - Huỳnh Thị Diễm Lệ cho biết: “Thực hiện mô hình Giúp PN nghèo có địa chỉ cụ thể, Hội tiến hành rà soát hộ nghèo và phân công cán bộ, HV hỗ trợ bằng hình thức cho “con cá” để giải quyết khó khăn trước mắt, sau đó cho “cần câu” (hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ tiết kiệm, vốn xoay vòng; hướng dẫn kinh doanh, buôn bán) giúp HV tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đặc biệt, các cơ sở Hội trên địa bàn thành phố còn duy trì tổ tiết kiệm tín dụng theo mô hình Dự án “An toàn tài chính vi mô cho PN và thanh niên trên địa bàn tỉnh Long An” (Dự án CARE) từ năm 2012 đến nay. Chia sẻ về ý nghĩa thiết thực của mô hình tiết kiệm tín dụng này, chị Nguyễn Thị Bé Tý (ấp 4, xã Hướng Thọ Phú) cho biết: “Ấp duy trì được 2 tổ góp vốn theo hình thức cổ phần, ai có ít thì góp ít, ai có nhiều thì góp nhiều, có 26 thành viên tham gia. Theo đó, ai khó khăn sẽ được ưu tiên hỗ trợ, ai chưa có nhu cầu thì nhường cho người khó khăn. Bình quân mỗi tháng, chị em được hỗ trợ vốn từ 1,5-3,5 triệu đồng. Số tiền được hỗ trợ tuy không nhiều nhưng giúp chị em trang trải cuộc sống gia đình, làm vốn chăn nuôi, chăm lo cho các con ăn học, mua bảo hiểm y tế. Tham gia mô hình này còn giúp gắn kết chị em với nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Nhờ tổ tiết kiệm tín dụng, chị Nguyễn Thị Bé Tý có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình, làm vốn trồng trọt, chăn nuôi 

Các hoạt động trên góp phần thực hiện khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu PN tỉnh “Giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo” giai đoạn 2017-2021. Theo đó, có 100% hộ nghèo (3.980 hộ) do PN làm chủ hộ được Hội phối hợp tiếp cận giúp đỡ bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đề nghị trợ cấp xã hội,... Đến nay, các cấp Hội giúp 468 hộ thoát nghèo.

Phong trào PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, HV PN. Từ những nguồn vốn tương trợ nhau, chị em tiết kiệm trong chi tiêu, đầu tư sản xuất, buôn bán để có điều kiện chăm lo gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát triển KT-XH tại các địa phương./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết