I. Các loại hình tai nạn do thiết bị, máy móc
1. Các loại hình tai nạn do máy móc trong sản xuất công nghiệp:
- Các thiết bị truyền động như bánh xích, trục quay, dây curoa, bộ nhông truyền động, máy dập, cắt kim loại/gỗ, vận thăng,...
2. Các loại hình tai nạn do máy móc trong sản xuất nông nghiệp:
- Máy gặt đập liên hợp, máy cắt/băm cỏ, máy tạo thức ăn viên nuôi cá.
- Máy ủi, xe cuốc, xe tải chở vật tư sản xuất.
3. Các loại hình tai nạn do máy móc trong sinh hoạt:
- Cối/máy xay thịt, thang cuốn, thang máy.
- Máy khoan, máy cưa, máy mài cầm tay không có bộ phận bảo vệ.
- Quạt máy không có chụp bảo vệ, quạt trần rơi.
- Nổ điện thoại khi vừa sạc điện, vừa sử dụng.
II. Tổn thương do tai nạn
- Các bộ phận và vật liệu nóng, sắc nhọn hoặc chuyển động đều rất nguy hiểm. Nhiều người lao động (NLĐ) trong nhà máy bị bỏng hoặc bị mất ngón/chấn thương mắt do không được bảo vệ đúng cách khi thao tác trong vùng nguy hiểm của máy.
- Các tai nạn máy móc gặp lúc sinh hoạt như kẹt cầu thang cuốn, quạt trần rơi, điện thoại nổ, trẻ đưa tay vào quạt máy, máy khoan tường vào tay.
- Những chấn thương do máy móc gây ra có thể dẫn đến thương tật vĩnh viễn và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
III. Sơ cứu chấn thương do máy móc gây ra
Dưới đây là quy trình sơ cấp cứu đối với một số loại vết thương cụ thể:
Vết cắt lớn, sâu hoặc bộ phận cơ thể bị đứt lìa: Nếu thấy máu phun ra nhiều, ấn mạnh phía trên đường đi của mạch để tạo áp lực ép, sau đó nhờ người gọi cấp cứu 115 hoặc đưa đến trạm y tế gần nhất để cầm máu và sát trùng vết thương. Nếu có bộ phận cơ thể đứt lìa nên bảo quản phần đứt lìa bằng nhiều lớp vải sạch, cho vào túi nylon cột kín, sau đó ướp vào túi/thùng nước đá, chuyển theo cùng với nạn nhân.
Vật đâm sâu vào cơ thể: Nếu một chi tiết của máy hoặc một vật nhọn đâm sâu vào cơ thể của nạn nhân, hãy để nguyên vật đó hoặc tìm cách cắt gọn lại, đặt miếng vải sạch, dày quanh vết thương để cầm máu, chờ cho đến khi nhân viên y tế đến hoặc chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
Chấn thương ở mắt: Để người bị thương nằm xuống và đặt miếng gạc, vải sạch lên vết thương. Nếu có dị vật đâm vào mắt, đừng lấy nó ra, để nguyên như vậy cho đến khi đưa người bị thương đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện.
Chấn thương ở vùng đầu: Đặt người bị thương nằm với tư thế đầu và ngực cao bằng một nửa tư thế ngồi. Đỡ đầu và ngực bằng quần áo, chăn, gối. Dùng miếng vải sạch để băng đầu.
Bỏng: Để phần cơ thể bị bỏng dưới vòi nước chảy trong vòng ít nhất 30 phút. Không được bôi bất cứ chất gì lên vết bỏng, băng bằng màng nylon mỏng, chuyển đến cơ sở y tế.
Gãy xương: Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu dưới đây:
• Xuất hiện tình trạng chi bị ngắn lại, gập góc, xoắn vặn hoặc khớp biến dạng; ngón
chân/ngón tay bị tê hoặc hơi xanh tím ở đầu chi.
• Xương xuyên thủng qua da.
• Nghi ngờ tình trạng gãy xương cổ, đầu hoặc lưng.
• Nạn nhân cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng kêu “rắc” của xương gãy.
• Cảm giác đau ở vị trí chấn thương hoặc xung quanh, mức độ đau tăng thêm khi cử động hay khi có một lực tác động nhẹ lên vị trí chấn thương.
• Giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động của xương gãy.
• Biểu hiện sưng phù, bầm tím ở vị trí chấn thương.
• Có thể xuất hiện triệu chứng của sốc, thường xảy ra trong các trường hợp gãy xương hở, gãy xương chậu, xương đùi và đa chấn thương.
Thực hiện phương pháp sơ cứu khi bị gãy xương ngay lập tức theo các bước sau:
• Cầm máu. Băng ép vết thương bằng băng vô trùng, vải hay quần áo sạch.
• Bất động vùng bị thương. Không nên cố nắn xương hoặc đẩy xương ra phía sau. Nếu đã được đào tạo về cách nẹp khi chưa tiếp cận dịch vụ y tế chuyên nghiệp, người sơ cứu nên áp nẹp vào mặt trên và dưới vị trí gãy xương. Độn nẹp có thể giúp giảm bớt sự khó chịu cho nạn nhân.
• Chườm đá (cho vào túi vải hoặc bọc lại bằng khăn) để hạn chế sưng tấy và giúp giảm đau.
IV. Để phòng tránh các chấn thương do máy móc, cần:
• Cho NLĐ đầy đủ thời gian để làm quen máy móc và đào tạo họ cách thức vận hành, điều chỉnh và bảo dưỡng máy móc.
• Thiết kế lại máy và công việc để NLĐ không bao giờ đưa các bộ phận cơ thể gần các bộ phận nguy hiểm của máy móc.
• Cấp phát cho NLĐ các thiết bị bảo hộ cần thiết và phù hợp với NLĐ.
• Cho phép NLĐ quyền được tắt máy trước khi xảy ra sự cố nguy hiểm, tránh dẫn đến chấn thương.
• Trong sinh hoạt cần kiểm tra định kỳ độ an toàn các thiết bị máy móc trong nhà, che chắn quạt máy bằng lưới phòng trẻ đưa tay vào.
• Các dụng cụ điện cầm tay không được tháo bỏ các bộ phận che chắn an toàn./.
Khoa Bệnh nghề nghiệp - Trung tâm kiểm soát bệnh tật