Tiếng Việt | English

25/08/2020 - 12:45

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên

Trong tự nhiên có không ít loại động vật, thực vật có chứa những độc tố tự nhiên, có khả năng gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người ăn nhầm hoặc do chế biến không đúng cách. Vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ tác dụng (lợi và hại) của những thực phẩm từ tự nhiên trước khi dùng để phòng tránh ngộ độc.

Cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời

Những thực phẩm chứa độc tố tự nhiên 

Những năm qua, các tỉnh, thành trong cả nước vẫn còn ghi nhận những vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên. Nguyên nhân người dân thường có thói quen hái và sử dụng các loại rau, quả rừng, nấm hoang dại hoặc thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, con cóc, con so,... Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên thường có số người mắc thấp nhưng số lượng người tử vong lại chiếm tỷ lệ cao.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Long An - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên được chia làm 2 loại: Thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, cóc, con so, bạch tuột xanh, mật cá,... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như nấm độc, lá ngón, khoai mì,… Tùy vào loại thực phẩm và lượng tiêu thụ thực phẩm, cách chế biến mà người ăn có thể bị ngộ độc và biểu hiện với các mức độ khác nhau như nôn ói, rối loạn cảm giác, co giật, hôn mê hoặc mạch nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, tím tái, khó thở, ngừng thở”.

Cá nóc là loại cá dễ tìm thấy, có hình dạng đặc biệt, ai nhìn thấy một lần cũng có thể nhận ra được. Mình cá hình tròn, dài, không có vẩy, vây nhỏ và mồm nhỏ. Kích thước dài trung bình từ 15-35cm. Cá nóc có 5 vây, 2 vây ngực, 1 vây lưng, 1 vây gần hậu môn và 1 vây đuôi, đặc biệt cá nóc không có vây ở bụng và không có xương sườn, xương dăm ở phần thịt như những loại cá khác. Điểm quan trọng giúp ta nhận dạng được cá nóc là tập tính phình bụng được coi là hành động liên quan đến đe dọa và tự phòng vệ do dạ dày cá nóc có hình dạng đặc thù như một cái túi, có thể phình lên khi cho nước và không khí vào trong đó. Ở biển Việt Nam, cá nóc có 66 loài thuộc 12 giống và 4 họ.

Theo ông Đoàn Thanh Chiến, chất độc của cá nóc là Tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh cực độc, không màu, không mùi, không vị, tan trong nước, có tính kháng nhiệt cao, chịu được nóng và không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. Chất độc cá nóc là thành phần có sẵn trong cá, trong buồng trứng và gan có nhiều độc tố, trong dạ dày và cơ quan nội tạng khác có ít hơn. Liều gây độc của độc tố cá nóc đối với cơ thể con người là 0,5-2,0mg. Biểu hiện khi bị ngộ độc cá nóc đầu tiên là mất cảm giác ở môi và lưỡi, sau đó tê liệt cử động và mất cảm giác, huyết áp tụt xuống do động mạch bị giãn, cảm thấy khó thở do tê liệt, ý thức bình thường cho đến lúc trước khi chết. Cuối cùng là mất ý thức và sau đó ngừng thở do bị tê liệt hoàn toàn trung khu hô hấp.

Bên cạnh đó, con so cũng là loài cực độc, giống độc tố cá nóc. Con so có hình dạng rất giống sam biển, còn gọi là sam lông. So có chiều dài không quá 20-25cm (không kể đuôi). Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hoặc tròn và không có gai. Con so có kích cỡ và trọng lượng nhỏ hơn sam. Về cấu tạo bên ngoài, gai trên lưng so ngắn hơn và ít hơn sam. So sống đơn lẻ, không sống theo cặp như con sam, trừ mùa sinh sản thì con so cũng có thể đi theo cặp như con sam. Vì thế, người ta thường nhầm lẫn con so là con sam còn nhỏ.

Cũng theo ông Đoàn Thanh Chiến, con so có độc tố thần kinh rất mạnh có khả năng gây liệt cơ hô hấp, làm ngưng thở dẫn đến tử vong ngay cả với liều độc thấp. Chất độc của con so biển tập trung chủ yếu ở bộ phận trứng. Loài so này gây độc cho người chủ yếu trong thời kỳ sinh sản. Người ăn thịt so, sau khi chất độc ngấm vào cơ thể, trước tiên bị nôn mửa, khó thở, sau đó đau bụng, tay, chân và môi bắt đầu tê cứng. Chất độc còn gây ức chế sự dẫn truyền thần kinh tim và gây suy hô hấp. Nếu không biết cách sơ cứu, để kéo dài thời gian dẫn đến suy hô hấp làm bệnh nhân tử vong. Ngộ độc do độc tố của so có biểu hiện và triệu chứng như ngộ độc do ăn cá nóc và hoàn toàn chưa có thuốc giải đặc hiệu.

Ngoài ra, con cóc cũng là loài có độc tố (Bufotoxin). Thịt cóc giàu dinh dưỡng, không chứa độc tố (trừ khi bị dính độc chất từ các tuyến ngoài da và nội tạng trong khi chế biến). Trong cơ thể cóc có một số bộ phận chứa độc tố hay còn gọi là nhựa cóc (mủ cóc) ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trên da, trong gan, buồng trứng có thể gây ngộ độc cấp tính, tỷ lệ tử vong rất cao.

Khác với cá nóc, các chất độc của cóc khi xâm nhập vào cơ thể người qua tiếp xúc ở da, niêm mạc hoặc ăn vào đường tiêu hóa,... có thể gây nên tình trạng nhiễm độc, khi nhiễm độc nặng có thể tử vong. Nếu da ở tay, chân, niêm mạc mắt, miệng,… dính “nhựa cóc” từ da cóc, cần nhanh chóng rửa kỹ vùng tiếp xúc này kịp thời nhiều lần bằng nước sạch. Nếu vùng da, niêm mạc có cảm giác rát nóng, bỏng hoặc sưng phồng lên thì đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị. Nếu để chất độc của cóc dính vào mắt, có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc bị mù.

Trong cá nóc có một loại độc tố thần kinh cực mạnh  (Ảnh: sưu tầm)

Ngăn chặn các vụ ngộ độc

Thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên cũng được các cấp, ngành, địa phương chú trọng. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn. Đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thì phải biết cách chế biến, loại trừ chất độc trước khi ăn.

Ông Đoàn Thanh Chiến khuyến cáo: “Người dân tuyệt đối không nên ăn cá nóc tươi hay khô hoặc bất kỳ loại cá nào mà chưa biết rõ nguồn gốc. Khi có những triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, tốt nhất là làm cho người ăn nôn ra những thức ăn càng nhiều càng tốt và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị”.

Nếu người dân sử dụng con cóc để chế biến thì nên chọn cóc da vàng hoặc hơi đen hoặc có đốm trắng ở giữa đầu, hoặc có chữ bát ở dưới bụng, nặng trên 50g. Tuyệt đối không dùng cóc có mắt đỏ hoặc ở bụng có chữ điền hoặc có 2 sọc xanh ở 2 bên bụng, vì rất độc. Hiện nay, nhiều người vẫn sử dụng thịt cóc làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già, dùng để hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Duyên (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chia sẻ: “Muốn dùng thịt cóc mà không bị ngộ độc thì phải làm thật kỹ. Trước tiên cần chặt bỏ đầu từ 2 u mắt trở lên, chặt bỏ 4 bàn chân, rạch 1 đường thẳng trên lưng phải cẩn thận tránh làm vỡ mật, giập buồng trứng, lột bỏ da, bỏ toàn ruột, gan, trứng,...). Tất cả công đoạn trên đều để dưới vòi nước chảy và rửa nhiều lần dưới vòi nước chảy. Sau đó, tôi còn ngâm vào nước muối 1% trong 10 phút và xem lại từng con xem trong bụng còn sót trứng, ruột, gan không”.

Ngộ độc độc tố cóc là ngộ độc cấp tính, tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, cần phát hiện sớm, sơ cứu triệt để, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế có đủ trang thiết bị và cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm mới có hiệu quả. “Khi phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo), cần gây nôn chủ động và chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu” - ông Đoàn Thanh Chiến khuyến cáo.

Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết