Tiếng Việt | English

21/09/2016 - 11:19

Phòng, chống dịch bệnh đầu năm học

Mùa tựu trường, thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh, phát triển. Nếu các trường học không bảo đảm đầy đủ điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch sẽ dễ tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Hàng năm, bắt đầu năm học mới cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh có nguy cơ gia tăng như: Sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM),... Tại Long An, các huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc,... thường là những địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất. Trong đó, ngoài các cơ sở giáo dục công lập, các nhóm trẻ tự phát gần các nhà trọ công nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh do người giữ trẻ không được đào tạo bài bản, không có kiến thức chăm sóc trẻ.


Học sinh được cô giáo hướng dẫn rửa tay đúng cách để phòng, chống dịch bệnh

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc - Võ Trường Tam: Cần Giuộc có 17 trường mầm non, 33 nhóm trẻ, 10 nhóm mẫu giáo, 27 trường tiểu học và 12 trường THCS. Trước năm học mới, ngành Y tế và giáo dục ký kết liên tịch về an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống tai nạn, thương tích và các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, ngành còn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách để phòng bệnh.

Đức Hòa cũng là địa bàn tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm luôn cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng học sinh quá đông khiến áp lực phòng, chống dịch bệnh càng tăng cao.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Ngân (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) - Huỳnh Thanh Sơn cho biết: Xung quanh trường có nhiều khu dân cư, nhà trọ, môi trường không bảo đảm với nhiều ao tù, nước đọng. Trước ngày khai giảng, nhà trường chủ động xịt muỗi, tổng vệ sinh khuôn viên trường, tu sửa hệ thống nước sạch cho các em rửa tay. Đầu năm học, nhà trường lồng ghép tuyên truyền ý thức phòng, chống dịch bệnh trong khi họp phụ huynh học sinh để tăng cường hợp tác với nhà trường trong phòng, chống dịch bệnh cho học sinh.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng, đầu năm học là thời điểm thời tiết chuyển mùa, ảnh hưởng nhiều đến sức đề kháng của trẻ, nhất là đối tượng mẫu giáo, tiểu học vì hệ miễn dịch ở độ tuổi này chưa hoàn thiện; các em chưa quen việc chuyển từ môi trường sinh hoạt tại gia đình sang sinh hoạt tập thể. 3 nhóm bệnh thường gặp chủ yếu là nhóm bệnh đường hô hấp (gồm viêm tai-mũi-họng, phế quản, phổi, cúm,...), nhóm bệnh đường tiêu hóa (chủ yếu là TCM) và bệnh SXH.

Học sinh cần được hướng dẫn thói quen rửa tay đúng cách; được theo dõi thường xuyên để nhanh chóng phát hiện khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Các trẻ có biểu hiện như sốt, đặc biệt là loét miệng, có bóng nước ở tay, chân thì phải báo ngay cho gia đình, nhân viên y tế trường học và cơ sở y tế địa phương để xử lý kịp thời. Phụ huynh có con bị bệnh TCM cần cho trẻ nghỉ ít nhất 10 ngày để tránh lây lan cho các bạn trong lớp.

Tính từ đầu năm đến ngày 11/9/2016, toàn tỉnh ghi nhận 1.002 ca mắc TCM, những địa phương có số ca mắc cao: Đức Hòa (261 ca), Bến Lức (119 ca), Cần Đước (107 ca), Cần Giuộc (112 ca).

SXH trong toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 1.565 ca, tăng 10% so với cùng kỳ (năm 2015 là 1.424 ca), trong đó, Đức Hòa 449 ca, Cần Đước 223 ca, Cần Giuộc 171 ca, Bến Lức 154 ca, TP.Tân An 163 ca.

TCM và SXH hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Để phòng bệnh trong trường học, ngành Y tế cần tăng cường truyền thông phòng bệnh SXH, TCM để mỗi học sinh cũng là một tuyên truyền viên tại gia đình. Các trường học cần theo dõi sức khỏe của học sinh để phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị kịp thời và báo cáo ngay cho ngành Y tế, tránh để dịch bệnh lây lan trong trường học./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết