Thời gian qua, tỉnh có nhiều biện pháp nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tỉnh có gần 1,7 triệu người, trong đó phụ nữ chiếm trên 50% và trẻ em chiếm trên 21%. Nhằm chấm dứt bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp liên ngành đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhất là việc can thiệp, hỗ trợ khi phụ nữ và trẻ em bị xâm hại và bạo lực.
Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Báo Long An, Đài Phát thành và Truyền hình Long An, cổng thông tin điện tử các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (02723.513.663), 148 điểm tư vấn ở trường và 7 điểm tư vấn tại cộng đồng. Qua đó, giúp cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Thông qua công tác tuyên truyền từ năm 2018 đến nay, trên 97% người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - Lê Văn An cho biết: “Thời gian qua, cán bộ trung tâm cũng nhận một số cuộc gọi phản ánh về tình trạng trẻ em bị bạo lực. Thông qua đó, cán bộ trung tâm liên hệ chính quyền địa phương gần nhất để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đồng thời, tư vấn, giúp họ sớm ổn định cuộc sống”.
Song song với công tác tuyên truyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn đặc biệt quan tâm đến việc thành lập và duy trì các mô hình bình đẳng giới như “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, “Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững”, “Nam giới điểm 10”, “Câu lạc bộ Nữ công nhân nhà trọ”, “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh”,... Kết quả, toàn tỉnh có trên 1.000 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, với trên 11.600 người tham gia sinh hoạt (trong đó 60% thành viên là nam giới); gần 700 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1 Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở phường 3, TP.Tân An và mô hình Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc),...
Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 được xem là đợt cao điểm phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Theo đó, trong tháng này, tỉnh tổ chức rất nhiều hoạt động như: Tổ chức lễ phát động ở các địa phương; tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng mô hình “Nam giới điểm 10”; thăm, tặng quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tại đơn vị, địa phương trong thời gian diễn ra tháng hành động; tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, giao lưu văn nghệ, thể thao về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2020,...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới ở tỉnh vẫn còn xảy ra ở một số nơi, trong đó trung bình mỗi năm tỉnh có khoảng 100 vụ bạo lực gia đình, đa số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Đây là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Song, để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó nam giới đóng vai trò quan trọng, bởi tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại sẽ thiếu đi sức mạnh khi không có người thân và những người xung quanh giúp đỡ. Do đó, phòng, chống bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai”./.
Lê Ngọc