Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2026. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Sáng 13/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2021-2026.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đồng chủ trì lễ ký kết.
Thỏa thuận được ký kết nhằm mục tiêu thiết lập nền tảng công nghệ số vững chắc, là cơ sở để Ủy ban Dân tộc hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Dựa trên nguyên tắc “Trách nhiệm, sáng tạo, cùng phát triển,” trong giai đoạn 2021-2026, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn FPT sẽ hợp tác toàn diện và đa dạng trên các nhóm nội dung trọng tâm gồm tư vấn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Ủy ban Dân tộc và Chương trình Mục tiêu quốc gia; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục, đào tạo với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và cho cán bộ công chức; hợp tác thúc đẩy tham gia thị trường thương mại, sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào các dân tộc; phối hợp hoạt động truyền thông, tuyên truyền, đồng hành trong các hoạt động an sinh xã hội.
Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều chính sách quan trọng để từng bước hỗ trợ, phát triển kinh tế-xã hội cho các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, làm việc.
Để thực hiện những mục tiêu trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ủy ban Dân tộc sớm xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục-đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào thông qua việc tham gia thị trường thương mại.
Ủy ban Dân tộc cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Với các mục tiêu trọng tâm đã đặt ra, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban xác định xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thời gian tới.
Để đạt được nhiệm vụ này, cần có sự tư vấn, hỗ trợ của cơ quan chuyên trách của Chính phủ là Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như sự đồng hành của các tập đoàn, công ty lớn về công nghệ thông tin của Việt Nam như Tập đoàn FPT.
Theo ông Hầu A Lềnh, những nội dung ghi nhớ hợp tác giữa hai bên đã thể hiện cơ bản các nhiệm vụ chuyên môn của Ủy ban Dân tộc và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng, Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc. Với sự đồng hành của Tập đoàn FPT, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ tin tưởng cơ quan sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát huy tối đa khả năng, góp phần giải quyết những vấn đề cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Khẳng định chuyển đổi số là lựa chọn đúng đắn để Ủy ban Dân tộc cũng như các cơ quan khác đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa các mục tiêu trọng tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, việc đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc trong chặng đường sắp tới là một trong những trách nhiệm và sứ mệnh của FPT.
Việc ký kết lần này không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần mà còn là sự chung sức, đồng lòng, cùng đem lại giá trị tốt đẹp cho hàng triệu đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Trương Gia Bình cho biết FPT sẽ không dừng lại ở việc tư vấn toàn diện chiến lược tổng thể, mà còn tham gia đào tạo thay đổi nhận thức ở các cấp, chuẩn bị nguồn lực chất lượng, cung cấp các nền tảng công nghệ số giúp người dân thực hiện cuộc cách mạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh./.
Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)