Tiếng Việt | English

17/02/2023 - 09:01

Phối hợp kiểm soát ô nhiễm môi trường sông Bến Lức - Chợ Đệm

So với những năm trước, tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bến Lức - Chợ Đệm, tỉnh Long An được kiểm soát ổn định, chất lượng nước có nhiều cải thiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh ô nhiễm khu vực giáp TP.HCM

Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm tại khu vực sông Bến Lức - Chợ Đệm đoạn giáp ranh giữa tỉnh Long An và TP.HCM vẫn chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và môi trường. Theo ghi nhận, vào nhiều thời điểm trong ngày, nhất là lúc thủy triều cạn, mặt nước dòng sông vẫn còn màu nâu, đen, nhiều cặn lơ lửng. Người dân xã Tân Bửu, (huyện Bến Lức) và xã Tân Kiên, Tân Nhựt, thị trấn Tân Túc, (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đều mong muốn sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong 2 năm 2020, 2021, Sở TN&MT liên tục phối hợp Phòng TN&MT huyện Bến Lức tổ chức khảo sát lấy mẫu, kiểm tra tình trạng ô nhiễm tại sông Bến Lức đoạn từ ngã ba sông Vàm Cỏ Đông - sông Bến Lức đến ranh Long An và TP.HCM (khu vực Chợ Đệm) với chiều dài khoảng 11,5km.

Ngày 05/8/2020, Sở TN&MT Long An có văn bản gửi Sở TN&MT TP.HCM đề nghị thông tin về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên sông Chợ Đệm, đặc biệt là đoạn giáp ranh Long An - TP.HCM nhằm thông tin cho người dân khu vực xã Tân Bửu, huyện Bến Lức bị ảnh hưởng biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, hạn chế thiệt hại khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Đến ngày 23/11/2020, Sở TN&MT TP.HCM có văn bản trả lời về tình hình kiểm soát ô nhiễm môi trường sông Bến Lức - Chợ Đệm. Trong đó, Sở TN&MT TP.HCM đánh giá nước mặt sông Bến Lức - Chợ Đệm đang bị ô nhiễm khá cao các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng trong nước.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, sông Bến Lức - Chợ Đệm (đoạn thuộc TP.HCM) hiện tiếp nhận nước thải của 24 cơ sở, trong đó, có 3 nguồn thải lớn trên 500m3/ngày là Khu công nghiệp Tân Tạo hiện hữu và mở rộng, chợ Bình Điền. Ngoài ra, sông còn tiếp nhận nước thải sản xuất gián tiếp và nước thải sinh hoạt của người dân tại xã Tân Kiên, Tân Nhựt, thị trấn Tân Túc và một phần quận Bình Tân, ước tính dân số khoảng 180.000 dân, với lượng nước thải trung bình khoảng 21.600m3/ngày.

Bên cạnh đó, kết quả quan trắc 6 đợt trong năm 2022 cũng cho thấy nước mặt tại vị trí ranh Long An và TP.HCM đang bị ô nhiễm chất hữu cơ như BOD5 vượt 2,0-3,5 lần; COD vượt 2,0-3,53 lần; ô nhiễm chất dinh dưỡng như amoni vượt 7,23-27,77 lần, phosphat vượt 1,3 lần, Fe vượt 1,24 lần, Mn vượt 1,55-2,95 lần, clorua vượt 2,24-2,47 lần, SS vượt 1,2-2,27 lần. Ngoài ra, nồng độ oxy hòa tan trong cả 6 đợt quan trắc trên đều thấp hơn 5mg/l, không đạt Quy chuẩn 08.

Tuy nhiên, so với kết quả quan trắc năm 2021, chất lượng nước sông Bến Lức đoạn giáp ranh Long An và TP.HCM đã có nhiều cải thiện giảm về nồng độ kim loại sắt, chất rắn lơ lửng và clorua, các thông số hữu cơ, dinh dưỡng và Mn trong nước cũng ổn định hơn những năm trước. Đồng thời, đến cuối năm 2022, Sở TN&MT tiếp tục có văn bản đề nghị Sở TN&MT TP.HCM thông tin về các giải pháp kiểm soát ô nhiễm sông Bến Lức - Chợ Đệm và đang chờ phúc đáp từ Sở TN&MT TP.HCM.

Để bảo đảm khắc phục, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Bến Lức - Chợ Đệm, theo Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tham mưu UBND TP.HCM trong chỉ đạo thực hiện quan trắc môi trường nước mặt liên vùng, nhất là tại kênh Thầy Cai, kênh Ranh, sông Bến Lức - Chợ Đệm. Hiện, thời gian quan trắc nước mặt của tỉnh thực hiện vào các tháng: 2, 4, 6, 8, 10, 11 hàng năm, do đó, Sở sẽ đề nghị Sở TN&MT TP.HCM thực hiện đồng quan trắc cùng thời gian về ngày, tháng và gửi kết quả để đối chiếu. Ngoài ra, thời gian tới, Sở tập trung tăng cường trao đổi thông tin về giải pháp thực hiện kiểm soát ô nhiễm trên sông Bến Lức - Chợ Đệm và phối hợp cải tạo, nạo vét các tuyến kênh, rạch nhằm tăng cường lưu thông dòng chảy, khả năng tự làm sạch của kênh, rạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết