Tiếng Việt | English

23/09/2018 - 19:18

Phó Thủ tướng kiểm tra việc phòng chống lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thăm chốt cứu hộ, cứu nạn tại xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Ngày 23/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thị sát, kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát các chốt cứu hộ, cứu nạn, điểm giữ trẻ tập trung và tuyến dân cư trên địa bàn thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. 

Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế tại các điểm trọng yếu, Phó Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An và Kiên Giang.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long cao nhất tại một số trạm thượng nguồn tính đến ngày 3/9/2018 ở mức cao và xấp xỉ với mực nước lũ năm 2000.

Tuy nhiên, sau ngày 3/9, mực nước có sự biến đổi chậm. Mực nước cao nhất ngày 21/9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,97m (dưới báo động 2 là 0,03m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,58m (trên báo động 2 là 0,08m). 

Dự báo, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên theo kỳ triều cường và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 26 - 27/9, trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,15m (trên báo động 2 là 0,15m), trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,75m (trên báo động 2 là 0,25m), sau đó xuống chậm.

Theo ông Trần Quang Hoài, lũ lớn năm 2018 đã ảnh hưởng chủ yếu đến 4 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An. Tuy chưa thiệt hại về người nhưng tính đến thời điểm hiện tại, lũ ảnh hưởng đến việc đi lại của hơn 5.200 học sinh; lũ cũng đã gây thiệt hại hơn 1.700ha lúa, hơn 177 hoa màu và gây ra sự cố sạt lở bờ bao, bờ sông ở một số địa phương như Đồng Tháp, An Giang...

Là một trong những địa phương đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp cũng chịu tác động lớn do lũ năm 2018. 

Ông Văn Dương - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, lũ đã làm tình hình sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu diễn biến phức tạp; gần 450 ha sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, ước thiệt hại trên 7 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 đến sớm, nhanh, kéo dài và có diễn biến bất thường so với mọi năm.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của các địa phương nên thiệt hại về người và cơ sở vật chất, mùa màng được giảm đến mức tối đa. Sau nhiều năm vắng lũ, lũ thấp, mùa lũ năm 2018 khá lớn là một tín hiệu về nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, cải tạo đất đai từ lượng phù sa màu mỡ... Mặt khác, lũ lớn cũng đặt ra những thách thức lớn cho các tỉnh trong việc ứng phó với lũ.

Theo Phó Thủ tướng, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức to lớn về biến đổi khí hậu. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của lũ, xây dựng phương án ứng phó với phương án tối ưu. Các địa phương tập trung mọi nguồn lực, vật lực để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân trong vùng lũ, đặc biệt là trẻ em.

Quang cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác ứng phó lũ 2018 với lãnh đạo các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang, tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh phải gấp rút triển khai chỉ đạo công tác di dân ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở về các tuyến khu dân cư; đối với các điểm tái định cư, cần rà soát cuộc sống người dân, hỗ trợ lương thực với quyết tâm không để người dân đói do lũ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước thực trạng diễn biến lũ hiện nay, từng địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải quy hoạch lại kết cấu hạ tầng để đảm bảo ổn định dân cư và sản xuất. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập đoàn khảo sát tình hình lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng phương án, chương trình kiểm soát lũ hiệu quả, bền vững./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết