TP.Tân An hướng đến xây dựng đô thị loại I
Đổi thay từng ngày
Ngày 09/9/2009 là một ngày khá đặc biệt với người dân Tân An khi thị xã này chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Khi ấy, thành phố chưa sung túc, hiện đại như bây giờ. Kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh, hệ thống bờ kè chưa xây dựng,... Trải qua chặng đường 15 năm, thành phố huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, làm thay đổi diện mạo của thành phố trẻ bên dòng Vàm Cỏ Tây.
TP.Tân An ngày nay đã “khoác áo mới” với những dãy nhà cao tầng san sát nhau, trong đó có những khu dân cư, đô thị mới. Đây là một trong những điểm nổi bật phù hợp xu hướng an cư của người dân ngày nay. Đó cũng là sự thay đổi tích cực, nâng Tân An lên một tầm cao mới, thu hút cư dân đến sinh sống.
1 trong 3 công trình trọng điểm của TP.Tân An - Công viên phường 2 (giai đoạn 2) đã hoàn thành
15 năm cũng là chừng ấy thời gian gia đình chị Huỳnh Thị Diễm Chi (quê tỉnh Bình Thuận) đến sinh sống và lập nghiệp tại mảnh đất Tân An. Chị Chi chia sẻ: “Vợ chồng tôi rất vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay của thành phố. Kết cấu hạ tầng được đầu tư. Nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu của người dân. Nơi vợ chồng tôi sinh sống thuộc khu dân cư Lợi Bình Nhơn (xã Lợi Bình Nhơn) có công viên, cây xanh,...”.
Tiết trời vào xuân, nắng vàng rực rỡ, đường hoa, chợ hoa cũng khoe sắc trên các con đường của thành phố trẻ,... Đi trên nhiều tuyến đường trong thành phố, không khí xuân ngập tràn. Dòng chữ “Chúc mừng năm mới”, “Happy new year” hiện diện trên rất nhiều panô, áp phích hoặc trên các màn hình cỡ lớn khắp thành phố. Công tác chỉnh trang đô thị được tích cực thực hiện trong nhiều ngày qua. Nhờ vậy, thành phố trở nên sáng hơn, đẹp hơn.
Những năm gần đây, đặc biệt là trước tết, thành phố đưa vào sử dụng nhiều công trình tạo điểm nhấn, sức bật. Đó là công viên phường 2 (giai đoạn 2); kè sông Bảo Định; các công trình hệ thống thoát nước chống ngập trong khu vực nội thành;... Đặc biệt, nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 là 1 trong 8 công trình nằm trong Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025: Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành; thông xe toàn tuyến đường Vành đai TP.Tân An (gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) - 1 trong 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Công trình này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, TP.Tân An nói riêng, giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 1, giảm tải phương tiện cơ giới đi vào nội thị, bảo đảm tính kết nối liên hoàn giữa các phân khu đô thị, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới, kiểu mẫu dọc hai bên tuyến đường. Đây là trục liên kết quan trọng giữa TP.Tân An, các huyện: Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, tạo ra khu vực hành lang trọng điểm phát triển kinh tế, nâng cao hoạt động thương mại - dịch vụ cho vùng trọng điểm. Đồng thời, tuyến đường Vành đai Tân An cũng kết nối trục giao thông Quốc lộ 1 - đường cao tốc và sông Vàm Cỏ Tây hướng về đô thị TP.HCM.
Xây dựng đô thị loại I
TP.Tân An hiện là đô thị loại II, được xác định hành trình trở thành đô thị loại I với mục tiêu tổng quát: Xây dựng và phát triển TP.Tân An trở thành một trong những trung tâm đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, thông minh, có điểm nhấn trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, được công nhận trước năm 2030.
Dự án nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng
TP.Tân An với vị trí chiến lược và vai trò đầu mối giao thông quan trọng của vùng với tuyến Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, có Quốc lộ 62, là cửa ngõ của TP.HCM; đồng thời là đô thị hạt nhân trên trục hành lang kinh tế đô thị Tân An - Bến Lức, có các trung tâm chuyên ngành cấp vùng về: An ninh - quốc phòng; thương mại - dịch vụ chất lượng cao; y tế, giáo dục - đào tạo và thể dục - thể thao. Vì vậy, xu thế phát triển của TP.Tân An đạt tiêu chí đô thị loại I là thực tiễn tất yếu.
Năm 2023, TP.Tân An công bố khẩu hiệu: Thân thiện, văn minh, hiện đại. Đó là phong cách, lối sống, hình ảnh của người dân thành phố. Thời gian qua, thành phố ưu tiên phát triển thành đô thị thông minh, gắn kết chặt chẽ với việc phát triển TP.Tân An trở thành vùng kết nối giữa TP.HCM và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Hiện tại, UBND thành phố đã và đang tích hợp các dịch vụ giám sát. Đó là giám sát an ninh, trật tự; an toàn giao thông; chiếu sáng thông minh; giám sát hành chính công, chỉ tiêu KT-XH;... Đây được xem là việc triển khai đô thị thông minh của Tân An, góp phần nâng cao kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết, về định hướng quy hoạch phát triển thành phố, cần bảo đảm diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên, ưu tiên lan tỏa đô thị theo hướng Đông Nam gắn với hành lang phát triển phía Nam. Đó là lấy tuyến sông Vàm Cỏ Tây làm trục cảnh quan chính và lấy đường Vành đai TP.Tân An là trục động lực. Song song đó, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị hài hòa, đa trung tâm, giữ vững cảnh quan sông nước đặc thù kết hợp hình thành các đô thị mới. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác kết nối hành lang Đông Tây, hình thành trục liên kết giữa các phân khu đô thị kết hợp với nghiên cứu địa giới hành chính, bảo đảm phù hợp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hành trình đưa TP.Tân An thành đô thị loại I với thế và lực một cách đồng bộ và bền vững, không chỉ đạt tiêu chí đô thị loại I mà chất lượng đô thị cũng ngày càng được nâng cao, để Tân An thật sự là điểm đến, ngôi nhà hạnh phúc của mọi người.
Sắc xuân đang về ngập tràn trên khắp phố phường mang theo niềm tin vào tương lai. Hy vọng, từ sự bứt phá cùng sự đồng thuận của mỗi người dân, TP.Tân An sẽ đạt những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.
Song Nhi