Tiếng Việt | English

07/04/2018 - 11:28

Phim truyền hình tạo “cơn sốt” cho khán giả trẻ

Thời gian qua, nhiều phim truyền hình Việt Nam “lép vế” so với phim nước ngoài vì đa số kịch bản còn mang tính lối mòn, thiếu kịch tính.
Nhưng gần đây, phim Việt “hồi sinh” khi có vài bộ phim tạo được ấn tượng với khán giả, nhất là khán giả trẻ.

“Sống chung với mẹ chồng” 

Nhiều người thường nói, nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống đời thường, và nghệ thuật chỉ có thể chạm đến trái tim khán giả bằng nội dung. Nếu xét theo tiêu chí ấy, bộ phim Sống chung với mẹ chồng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Đây không phải bộ phim đầu tiên nói về mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu nhưng lại là bộ phim lột tả một cách rất thực những gì diễn ra trong cuộc sống, xung quanh mối quan hệ này.

Bộ phim gây sốt, thu hút hơn 6 triệu lượt xem trong 3 ngày công bố trailer trên fanpage. Sau khi chiếu 3 tập/tuần thì đến đâu, cũng nghe nhiều người nhắc Sống chung với mẹ chồng như một hiện tượng của phim truyền hình. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc mà khi xem, nhiều người như bắt gặp hình ảnh của mình trong đó, từ những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đến từng lời thoại.

“Gia đình là số 1”

Sitcom Gia đình là số 1 cũng được đông đảo khán giả đón nhận. Mua bản quyền từ series đình đám của Hàn Quốc High kick, Gia đình là số 1 được thực hiện với kinh phí cao (250 triệu đồng/tập), trở thành dự án sitcom được đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay của Việt Nam, dài 208 tập. 

Chọn chất liệu gần gũi và khung giờ phát sóng khá hợp lý, Gia đình là số 1 trở thành “món ăn” không thể thiếu trong “bữa cơm tối” của nhiều gia đình. Lúc đầu, bộ phim gặp nhiều nghi ngại, bởi bản gốc High kick của xứ sở kim chi là một hình tượng quá đẹp. Thế nhưng, vẫn là câu chuyện vui, buồn về gia đình có ba thế hệ nhưng điều thú vị chính là ekip phim “làm lại” chứ không “chép lại”. Khán giả bắt gặp những gì gần gũi, hài hước và “Việt Nam” nhất trong mỗi thước phim. Những đạo lý, bài học và giá trị nhân văn mà bộ phim truyền tải cứ thế nhẹ nhàng chạm đến trái tim khán giả.

Không khác nhiều so với bản gốc, đây vẫn là câu chuyện đời rất chân thực xoay quanh một gia đình có ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Và, dĩ nhiên, không thể tránh khỏi những xung đột, nhất là khi những người có cá tính quá mạnh và đối lập nhau. Tuy bộ phim không gây xôn xao nhiều trên mạng xã hội nhưng lại thu hút nhiều gia đình đón nhận. Hiện tại, bộ phim đang đứng đầu danh sách bình chọn Hạng mục phim truyền hình của We Choice Awards 2017. 

“Người phán xử”

Bộ phim được mua bản quyền từ Israel với nhiều đột phá trong cách thể hiện nội dung đối với thể loại phim truyền hình. Khán giả không thấy những màn truy đuổi, đánh đấm “nửa vời” mà là những thước phim được đầu tư đúng chất, đúng thể loại, thể hiện ý muốn đổi mới thật sự của nhà sản xuất. Đặc biệt, ngoài những diễn viên trẻ thực lực như Việt Anh, Hồng Đăng, sự trở lại của những nghệ sĩ gạo cội: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, Chu Hùng khiến bộ phim có “hồn”, chứ không chỉ là cái vỏ hào nhoáng.

Vẫn khai thác theo hướng phim hình sự, phản ánh một góc khuất của tội ác trong cuộc sống, nhưng Người phán xử lấy lòng khán giả Việt bởi cách thể hiện. Trước giờ, dòng phim này chỉ được lòng khán giả lớn tuổi, bởi nội dung chủ yếu là sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng Công an nhân dân. Nếu so với các tác phẩm nước ngoài cùng thể loại hình sự, khán giả trẻ còn nhạt nhẽo với phim hình sự Việt Nam. Nhưng với Người phán xử thì khác! Bộ phim thể hiện sự cố gắng phục vụ khán giả của nhà sản xuất khi theo dõi sát sao ý kiến, phản hồi để quay những tập bổ sung, những phân đoạn “fan service”, tạo ra “vũ trụ điện ảnh VTV” mà vốn chẳng ai ngờ một bộ phim truyền hình sẽ “chịu khó” để làm.

“Thương nhớ ở ai”

Ngay sau Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gia đình là số 1, phim Thương nhớ ở ai là một “quả bom nổ chậm” của truyền hình được khai ngòi. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh chỉ đạo nghệ thuật. Tuy từng được nhận định là bộ phim khá “kén” khán giả nhưng thật bất ngờ, sau khi lên sóng, Thương nhớ ở ai lại tạo nên một cơn “sốt” mạnh mẽ trên màn ảnh nhỏ. Khán giả không chỉ theo dõi trên sóng truyền hình mà còn đặc biệt quan tâm những tin tức về bộ phim cũng như dàn diễn viên. Trên fanpage chính thức của Thương nhớ ở ai (trên Facebook), phim nhận được vô số lời khen và đánh giá tích cực từ cư dân mạng.
Thông qua bộ phim, rất nhiều câu chuyện cũ được khơi lại. Không chỉ là tư tưởng trọng nam, khinh nữ được thể hiện đầy tính châm biếm mà còn có nỗi đau từ phong trào cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ. Đặc biệt, với hơn 2.000 cảnh phim cần kỹ xảo được chuẩn bị trong 3 năm ròng rã, Thương nhớ ở ai đang chứng minh rằng, không chỉ phim điện ảnh mới được đầu tư lớn.


1- Phim “Sống chung với mẹ chồng” từng gây sốt, thu được 
hơn 6 triệu lượt xem trong 3 ngày công bố traile

2- Phim “Gia đình là số 1” là câu chuyện rất đời, rất chân thực 

xoay quanh một gia đình có ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà

3- Phim “Người phán xử” phản ánh một góc khuất của tội ác trong cuộc sống

4- Phim “Thương nhớ ở ai” tạo nên một cơn “sốt” mạnh mẽ 
trên màn ảnh nhỏ

(Nguồn ảnh: Internet)
 

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết