Tiếng Việt | English

17/11/2018 - 17:31

Phiên họp toàn thể lần thứ 14 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên mở rộng hồi tháng 9. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 17/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan; đại diện các cơ quan của Quốc hội...

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tại phiên họp này Ủy ban sẽ xem xét, cho ý kiến thẩm tra đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, xuất phát từ yêu cầu triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, 5, 6, 7, 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu của thực tiễn, có 3 dự án Luật cần thiết được bổ sung vào Chương trình gồm Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với 3 nhóm chính sách và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Kiểm toán nhà nước đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vào Chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tổng số 10 nội dung được đề xuất.

Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với 5 chính sách được đề xuất.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá hồ sơ đề nghị bổ sung 3 dự án Luật của Chính phủ vào Chương trình năm 2019 có đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cơ bản đầy đủ các tài liệu nhưng cả 3 dự án đều thiếu ý kiến Chính phủ.

Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành các Luật theo Tờ trình của Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước… nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật này trong thời gian qua. Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề về nội dung của dự án Luật để đảm bảo sự đồng thuận, tính khả thi.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét thêm về việc thể chế trong Luật nội dung quy định hợp lý số lượng cấp phó và ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng có một số chính sách không cần thiết phải sửa đổi trong Luật Tổ chức Chính phủ bởi đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã được quy định; đồng thời cần cân nhắc một số chính sách khác một cách thận trọng để thực sự phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với các quy định khác.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm nội dung chính sách, giải pháp thực hiện và thể chế thành các quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành.

Đáng chú ý, đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ủy ban Pháp luật đề nghị Tòa án nhân dân tối cao làm rõ một số vấn đề về nội dung, lấy ý kiến của Chính phủ và nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị, thống nhất với Ủy ban Tư pháp trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Căn cứ vào yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2019 và các năm tiếp theo; trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Quốc hội... các đại biểu kiến nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019 các dự án sau: Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo quy trình tại một kỳ họp gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019): Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết