Tiếng Việt | English

15/08/2019 - 18:25

Phía sau vụ tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 24 người ra khỏi nhà vào buổi sáng và sẽ không bao giờ trở về; 60 người ra khỏi nhà lành lặn, trở về nhà với thương tật trên người, thậm chí tàn phế suốt đời chỉ vì TNGT.

Đối tượng Hiếu tại Cơ quan điều tra

Ám ảnh vụ án từ xe container

Nhớ lại vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 02/01/2019 trên Quốc lộ 1, đoạn qua ấp 3, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, xe container do tài xế Phạm Thành Hiếu điều khiển, mất thắng, lao vào dòng người đang dừng chờ đèn đỏ, kéo 5 xe máy dưới gầm rồi tiếp tục lao tới cả chục mét mới dừng lại. Vụ tai nạn làm 4 người chết và nhiều người bị thương, hàng chục chiếc xe máy bị hư hỏng. Đại úy Nguyễn Trương Thiện - Phó Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Bến Lức, nhớ lại: “Ngay sau khi nhận được tin báo, chúng tôi phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông bảo vệ hiện trường, tập trung cấp cứu người bị nạn, tận dụng mọi phương tiện nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất”.

Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Phạm Thành Hiếu là 59mg/100ml máu, kết quả xét nghiệm nước tiểu và máu có nồng độ morphin và codeine. Do sử dụng rượu trong quá trình lái xe, Hiếu không làm chủ được tay lái, không kiểm soát được tình huống và gây hậu quả nghiêm trọng.

Thượng tá Huỳnh Văn Hùng - Phó Trưởng Công an huyện Bến Lức, cho biết: Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bến Lức kết thúc điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thành Hiếu về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Hậu quả không đong đếm được

TNGT đi qua nhưng nỗi đau thì còn mãi với các gia đình nạn nhân. Cuộc sống của cả nạn nhân và người gây tai nạn đều lâm vào cảnh khó khăn.

Sau nhiều lần liên hệ với gia đình anh Đinh Quốc Duy (25 tuổi, quê ở tỉnh Tiền Giang) - một trong những nạn nhân bị thương trong vụ TNGT do Hiếu gây ra, chúng tôi được người nhà của anh hướng dẫn đến Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp tại quận 8, TP.HCM. Anh Duy đang điều trị đa chấn thương đốt sống cổ và cột sống lưng tại đây. Anh nằm viện hơn 7 tháng, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, chi phí hơn 500 triệu đồng, trong khi khả năng phục hồi chỉ khoảng 0,5%. Tốt nghiệp đại học, đi làm chưa được bao lâu thì anh gặp tai nạn, phải dang dở cả tương lai. Ông Đinh Thế Hậu (cha Duy) chia sẻ: “Chi phí điều trị cho Duy mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Vợ chồng tôi chỉ làm thuê, làm mướn, thu nhập không bao nhiêu, phải lo cho Duy và đứa em gái đang học đại học”. Ông vẫn hy vọng một phép màu nào đó sẽ đến với con trai mình.

Đến nay, sau hơn 7 tháng xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng ở Bến Lức, ông Nguyễn Văn Thuần (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) vẫn chưa tin đó là sự thật. Nhớ lại thời điểm đó, ông bàng hoàng khi hay tin người vợ ra đi trong vụ tai nạn thảm khốc. Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông gần 70 tuổi nhưng vẫn phải vất vả mưu sinh. Hai vợ chồng già hôm sớm có nhau, vậy mà bà ra đi vì TNGT, để lại cho ông nỗi đau quá lớn.

Vết thương ở chân của chị Trần Thị Cẩm Tú phải phẫu thuật nhiều lần nữa

Còn vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Tú và Lâm Trí Quang (ngụ Bến Tre) mới cưới nhau được 5 tháng thì anh ra đi vì vụ TNGT trên. Chị phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nhưng vẫn chưa thể đi lại được. Số nợ mà hai vợ chồng vay ngân hàng để kinh doanh trước khi bị TNGT giờ không còn khả năng trả.

Thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế TNGT

Ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 84,3% đại biểu tán thành. Nội dung được nhiều cử tri và người dân quan tâm là “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” được các đại biểu nhất trí đưa vào luật. Điều đó thể hiện ý chí, quyết tâm của Quốc hội nhằm chế tài, xử lý nghiêm người vi phạm liên quan đến sử dụng rượu, bia.

Theo Thượng tá Lại Văn Út - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, để kiềm chế TNGT, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thực hiện nhiều giải pháp như tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, nhất là những hành vi liên quan đến rượu, bia và ma túy; tăng cường tuyên truyền pháp luật đến người dân; triển khai các mô hình an toàn giao thông; sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông,... Các biện pháp trên nhằm góp phần kéo giảm TNGT, nhất là TNGT do người đã sử dụng các chất kích thích gây ra.

Vẫn còn đó nỗi đau của những nạn nhân bị TNGT và người thân. Không chỉ nạn nhân mà cuộc sống gia đình của người gây ra tai nạn cũng gặp không ít khó khăn. TNGT là điều không ai mong muốn, thế nên “Đã uống rượu, bia, không lái xe - Đã lái xe, không uống rượu, bia” - Đó là thông điệp mà người điều khiển phương tiện giao thông phải ghi nhớ./.

Thúy Phượng

Chia sẻ bài viết