Tiếng Việt | English

20/06/2021 - 16:15

Phía sau ảnh báo chí, truyền hình...

Để có được bức ảnh báo chí và hình ảnh phóng sự truyền hình đẹp, sinh động, chân thật, hấp dẫn người xem, phóng viên, nhà báo và quay phim phải có lòng đam mê, chấp nhận dấn thân và hy sinh. Đây là chia sẻ của một số nhà báo, phóng viên đang công tác trong lĩnh vực báo chí, truyền hình của tỉnh Long An.

Sức mạnh của hình ảnh

Ảnh báo chí, hình ảnh thời sự, phóng sự truyền hình hấp dẫn, sống động là yếu tố đầu tiên để thu hút người xem. Bởi, mỗi bức ảnh báo chí hay hình ảnh trong phóng sự truyền hình là một mảnh ghép của hiện thực, “ngôn ngữ” hình ảnh nói lên thông tin cần truyền tải đến người đọc và khán giả xem đài.

Phó Tổng Biên tập Báo Long An - nhà báo Châu Hồng Khá cho biết: “Ảnh là yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của độc giả, tạo độ tin cậy cho thông tin bài viết. Bài viết mà không có ảnh sẽ thiếu tính thuyết phục. Hơn hết, hiện nay, xu hướng của người đọc báo, nhất là báo điện tử chủ yếu là “lướt web” xem những bài báo nào có ảnh sinh động, sau đó mới bấm vào xem nội dung. Cùng đề cập một vấn đề, những bài báo có hình ảnh phù hợp, bắt mắt, thể hiện được nội dung sẽ giúp độc giả dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn. Do đó, ngoài việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phóng viên, nhà báo hiện đại phải trang bị kỹ năng chụp ảnh chuyên nghiệp và cập nhật công nghệ, tiếp thu cái mới”.

Để có được hình ảnh đẹp, phóng viên, nhà báo cần phải có sự dấn thân và đam mê

Còn phóng viên Nguyễn Phương Quang (công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh TP.Tân An) cho rằng: “Một phóng sự truyền hình lặp đi, lặp lại một vài hình ảnh hoặc hình ảnh bị mờ, không miêu tả được chủ thể mình muốn nói và hình ảnh không đi đôi lời bình sẽ tạo cho khán giả sự nhàm chán. Do đó, hình ảnh đối với phim hay phóng sự, thời sự có ý nghĩa rất quan trọng, thu hút người xem”.

Là admin của trang Facebook Vĩnh Hưng quê tôi, anh Huỳnh Tuấn Kiệt, ngụ xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, thường xuyên lên các trang báo mạng đọc và đăng lại các bài viết về quê hương Vĩnh Hưng nói riêng, Long An nói chung. Điều này cũng là một trong những cách anh giới thiệu với bạn bè gần, xa về quê hương mình. Song, không phải bài viết, hình ảnh, video clip nào cũng được anh Kiệt chọn đăng trên trang Vĩnh Hưng quê tôi.

Anh Kiệt trải lòng: “Chỉ cần một bức ảnh, một đoạn video clip, chúng ta có thể hình dung ra nội dung của câu chuyện. Vì vậy, trước khi đăng bất cứ thông tin nào trên Vĩnh Hưng quê tôi, tôi chọn lựa hình ảnh rất kỹ nhằm thu hút người xem, lượt chia sẻ, bình luận. Thời đại công nghệ số, nhiều người chủ yếu nhìn hình ảnh để biết nội dung chứ ít khi đọc hết một bài báo hay xem một phóng sự dài vài phút”.

Đam mê và dấn thân

Nhà báo Phạm Thị Thu Ngân (Báo Long An) nói: “Ảnh báo chí rất khác với ảnh nghệ thuật. Ảnh báo chí phải là người thật, việc thật và hạn chế tối đa việc can thiệp của các phần mềm chỉnh sửa ảnh, có chăng chỉ được quyền cắt ảnh, tăng độ tương phản, độ sáng để làm nổi bật nhân vật, sự kiện trọng tâm”.

Để chụp được bức ảnh đẹp hay quay được hình ảnh sinh động trong thời sự, phóng sự truyền hình, điều đầu tiên người làm nghề phải có là kiến thức chuyên môn, sử dụng thành thạo máy ảnh, máy quay phim, trong đó phải biết bố cục, khung hình, xử lý ánh sáng, nhất là phải nắm bắt được cảm xúc, khoảnh khắc của nhân vật. Người chụp, người quay cũng có cảm xúc thì hình ảnh mới có hồn. 

Nhà báo phải đi thực tế đến các điểm nóng để có được những hình ảnh đẹp nhất, chân thực nhất cung cấp cho khán giả

Nhà báo Nguyễn Hùng Anh (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) cho biết: “Tôi cho rằng, máy ảnh, máy quay chỉ là phương tiện nên dù có hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được cảm xúc và trí tuệ của con người. Người làm nghề phải luôn tìm kiếm cái mới về ý tưởng, góc chụp, góc quay,… để truyền tải cho người xem một cách chân thật, sinh động nhất bằng ngôn ngữ hình ảnh. Là phóng viên mảng thời sự nên trước khi được phân công đi công tác, nhất là những sự kiện lớn, tôi thường đi trước 10 phút để nắm bắt bối cảnh, chọn cho mình vị trí đứng tốt để đặt góc máy; đồng thời, chuẩn bị trước để mỗi góc máy di chuyển đều chắc chắn, linh hoạt và kịp thời”.

Có thể thấy, mỗi phóng viên có kỹ năng quay phim, chụp ảnh riêng để tạo ra tác phẩm báo chí hấp dẫn người xem nhưng có lẽ điều quan trọng là sự nhiệt tình, ham học hỏi và chấp nhận dấn thân. Nhà báo Đặng Ngọc Thạch (Báo Long An) bộc bạch: “Làm bất cứ ngành nghề nào mà không có đam mê sẽ khó làm được, trong đó có nghề báo. Bởi có đam mê, chúng ta mới tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu để hoàn thiện bản thân, làm tốt công việc được giao. Làm báo hơn 7 năm nhưng không phải lúc nào tôi cũng chụp được bức ảnh đẹp, trong quá trình chụp sẽ có rất nhiều bức ảnh chưa đẹp, chưa tốt nhưng đó cũng là kinh nghiệm để lần sau chụp ảnh được tốt hơn”.

Đặc thù của phóng viên, nhà báo là không thể ngồi ở nhà, ngồi một chỗ mà phải tới tận nơi, thậm chí là thức khuya, dậy sớm, đến những điểm “nóng” để có những hình ảnh đẹp, chân thật, nhanh nhất, đầy đủ thông tin cung cấp cho bạn đọc, người xem. Điều này càng khẳng định hình ảnh có tầm quan trọng quyết định nên chất lượng của một bài báo hay chương trình thời sự, phóng sự truyền hình./.

Ảnh là yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của độc giả, tạo độ tin cậy cho thông tin bài viết. Bài viết mà không có ảnh sẽ thiếu tính thuyết phục”.

Phó Tổng Biên tập Báo Long An - nhà báo Châu Hồng Khá

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết