Tiếng Việt | English

10/11/2020 - 10:14

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Sách luôn là “kho tàng tri thức” vô giá của nhân loại. Do đó, rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh (HS) và phát triển văn hóa đọc trong học đường là nhiệm vụ quan trọng của các trường học, giúp các em nâng cao sự hiểu biết, phát triển kỹ năng sống. Tuy nhiên, thực tế nhiều HS vẫn còn thờ ơ với sách, chưa hiểu đúng giá trị của sách mang lại.

Những năm gần đây, Trường THPT Phan Văn Đạt (huyện Châu Thành) tập trung, nỗ lực hơn trong việc phát triển văn hóa đọc nhằm phát huy tối đa vai trò của thư viện trường học. Mỗi tháng, tùy theo chủ đề, chủ điểm, thư viện chọn sách hay, phù hợp để giới thiệu cho HS. Cách giới thiệu, trưng bày sách cũng thay đổi nhằm tạo sự mới mẻ giúp HS hứng thú tìm hiểu và mượn sách để đọc.

Học sinh đọc sách tại thư viện

Được biết, hiện thư viện có hơn 5,4 ngàn đầu sách các loại như sách tham khảo, sách giáo khoa, kỹ năng sống,... Mỗi ngày, thư viện đón từ 20-30 lượt bạn đọc đến đọc tại chỗ và mượn về. Ngoài mượn sách tham khảo phục vụ học tập, các em còn quan tâm nhiều đến sách chủ đề kỹ năng sống, phát triển bản thân, sách văn học, lịch sử,... Đó cũng là thế mạnh và hướng đi sắp tới của trường trong phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Nhân viên thư viện Trường THPT Phan Văn Đạt - Trương Trọng Hữu chia sẻ: “Mỗi năm, thư viện cập nhật thêm sách mới. Trong đó, tôi chú trọng bổ sung sách về kỹ năng sống, phát triển bản thân. Bởi, những cuốn sách ấy không chỉ bổ ích mà còn cuốn hút các em khi đọc. Đọc hoàn thành một cuốn sách hay, các em có những bài học giá trị cho riêng mình. Đó cũng là cách để thu hút các em đọc thêm nhiều cuốn sách khác tương tự, từ đó góp phần phát triển văn hóa đọc tại nhà trường”.

“Từ nhu cầu học tiếng Anh, em bắt đầu đọc thêm sách. Nhờ vậy, em hình thành được thói quen đọc sách từ năm lớp 8. Sách thật sự là “nguồn kiến thức vô tận”, giúp em mở mang thêm rất nhiều kiến thức mà em chưa từng học, chưa từng nghe, đặc biệt là sách bằng tiếng Anh” - Hồ Thị Hải Yến - HS lớp 11A4, một trong những bạn đọc trung thành của thư viện trường, tâm sự.

Ngoài ra, Trường THPT Phan Văn Đạt còn “vực dậy” tinh thần đọc sách của HS thông qua các hoạt động, phong trào như cuộc thi tìm hiểu An toàn giao thông, kể chuyện Bác Hồ, giới thiệu sách hay,... Nhờ vậy, HS thường xuyên đến thư viện để đọc sách tìm hiểu kiến thức, tư liệu tham gia các cuộc thi.

Học sinh lựa sách theo sở thích, nhu cầu của mình khi đến thư viện

Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An) cũng nỗ lực phát triển văn hóa đọc trong trường học. Theo đó, trường phân lịch đọc sách tại thư viện cho các lớp nhằm khuyến khích các em tham gia đọc sách. Trường giới thiệu và cập nhật sách hay, phù hợp lứa tuổi để HS dễ chọn sách và hứng thú đọc sách hơn.

Nguyễn Quỳnh Anh - HS lớp 9/6, Trường THCS Lý Tự Trọng, thổ lộ: “Ngoài học tập, em còn dành thời gian để đọc sách. Bởi, sách như “người bạn”, “người thầy” mang đến bao điều hay, thú vị mà em chưa biết đến. Nhờ thường xuyên đọc sách, em biết thêm những bài học giá trị và những kiến thức xã hội giúp em tự tin trong giao tiếp”.

Ngoài ra, Trường THCS Lý Tự Trọng còn phát động nhiều phong trào "Đọc sách theo gương Bác", chương trình "Đọc và làm theo báo Đội”,… nhằm khuyến khích HS chủ động hơn trong việc tìm đọc sách.

Thông qua sự nỗ lực của các trường trong phát triển văn hóa đọc, HS dần hình thành thói quen đọc sách, tuy vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết