Tiếng Việt | English

16/12/2024 - 09:35

Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, nông dân ngày càng ý thức sản xuất sản phẩm xanh, sạch, vừa bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, vừa bảo vệ môi trường. Bên cạnh sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, nông dân không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và nhận ra nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu.

Vườn trái cây sạch, an toàn

Trước đây, ông Phạm Văn Bính (ấp 5, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trồng và thu mua mía để bán cho các nhà máy đường. Gần 6 năm trước, giá mía bấp bênh, ông phải lặn lội đến tận Bến Tre, Sóc Trăng để tìm mối nhưng vẫn không thấy tín hiệu lạc quan. Người dân phá mía để trồng chanh, trồng lúa. “Tôi sợ khi ai cũng trồng chanh thì lặp lại câu chuyện cung vượt cầu, ảnh hưởng giá cả. Bởi vậy, tôi quyết định tìm hướng đi mới” - ông Bính cho biết.

Vườn trái cây của ông Phạm Văn Bính (ấp 5, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) được du khách ưa thích vì chất lượng thơm ngon, an toàn

Trước sân nhà ông Bính có một cây nhãn to hơn 30 năm tuổi, mỗi năm cho rất nhiều trái. Nghĩ cây nhãn hợp với đất quê mình, ông mạnh dạn đầu tư gần 7.000m2 trồng 200 gốc. Ban đầu, ông Bính gặp nhiều khó khăn vì đây là loài cây mới ở địa phương, không ai hướng dẫn trồng, nhiều cây bị chết. Đó là chưa kể những lời bàn tán không hay. Quyết tâm làm, không nản lòng, ông Bính đến tỉnh Đồng Tháp học kinh nghiệm và nghiên cứu thêm trên mạng. Nhờ kiên trì, nỗ lực, cây nhãn dần “bám đất”.

Du khách thích thú trải nghiệm tại vườn trái cây của ông Phạm Văn Bính (ấp 5, xã An Thạnh, huyện Bến Lức)

Sau 2 năm, cây bắt đầu cho trái. Lúc này, ông Bính lại gặp phải vấn đề đầu ra vì trồng nhỏ, lẻ dễ bị thương lái ép giá. Ông Bính chia sẻ: “Trong cái khó ló cái khôn, tôi quyết định trồng thêm vài loại cây ăn trái nữa rồi mở cửa cho khách tới thưởng thức, vừa có tiền vé, vừa bán được trái cây mà không lệ thuộc thương lái”. Hiện tại, trên diện tích 1,5ha, ông Bính trồng nhãn, táo, ổi, mận, hồng xiêm, mít Thái. Ông kết hợp với Khu du lịch sinh thái Vàm Cỏ Farmstay, mở cửa vườn trái cây vào 3 ngày cuối tuần. Khách đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh hài lòng vì trái cây tươi, thơm ngon, an toàn.

Trong trồng trọt, ông Bính hạn chế dùng phân bón, thuốc hóa học, chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ để bảo đảm an toàn cho du khách. “Mình ăn được thì mới dám bán cho người ta. Vừa trồng cây, vừa làm du lịch tuy cực hơn trồng lúa, trồng mía nhưng thu nhập ổn hơn, quan trọng là mình chủ động, không lệ thuộc vào thương lái” - ông Bính cho biết thêm. Ông được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh. Ông cũng áp dụng hệ thống tưới tự động cho vườn trái cây. Ngoài ra, ông Bính còn bán cây giống cho người dân trong vùng và nuôi chồn hương, bước đầu có hiệu quả tốt.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức, huyện có mô hình cánh đồng sản xuất chanh theo hướng hữu cơ. Đến nay đã tổng kết 20 mô hình với diện tích 400ha, có 523 nông dân tham gia thực hiện, đạt 100% kế hoạch. Khi so sánh, mô hình trình diễn sản xuất theo hướng hữu cơ giảm được lượng phân bón, số lần phun thuốc, năng suất tăng từ 450-600kg/ha.

Trồng rau ăn lá theo hướng hữu cơ

Nhận thấy nhu cầu dùng rau sạch của người dân ngày càng cao, anh Nguyễn Trần Minh Tài (ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) tự tìm tòi, học hỏi và ứng dụng thành công mô hình trồng rau thủy canh.

Anh Nguyễn Trần Minh Tài (thứ 2, phải qua, ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) thành công với mô hình trồng rau thủy canh

Anh đầu tư nhà màng trên diện tích 3.000m2 để trồng các loại rau họ cải. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nhất là đối với vấn đề sâu, bệnh. Không nản lòng, anh nghiên cứu, học hỏi để khắc phục. Đến nay, vườn rau phát triển xanh tốt, mỗi ngày xuất bán khoảng 400kg.

Theo anh Tài, nếu quen việc thì trồng rau theo phương pháp thủy canh tương đối dễ, ít tốn công chăm sóc. Nếu so với cách trồng dưới đất, áp dụng phương pháp này năng suất cao gấp 3-5 lần do nông dân có thể chủ động điều chỉnh lượng chất dinh dưỡng sao cho không thừa, không thiếu, giúp cây phát triển nhanh. Hơn nữa, có thể loại bỏ các mầm bệnh phát sinh từ đất.

Sản phẩm rau thủy canh của anh Tài chủ yếu giao cho siêu thị và các cửa hàng rau sạch. Giá rau cao hơn 2-3 lần so với rau trồng từ đất nhưng vẫn được thị trường đón nhận vì bảo đảm an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, anh sản xuất rau theo hướng VietGAP. Anh thường xuyên tìm hiểu các kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để áp dụng cho vườn rau. “Vấn đề cốt lõi là bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Năm sau, nếu thị trường ổn định, tôi sẽ mở rộng thêm” - anh Tài cho biết.

Ông Võ Văn Vân (ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) thường nghiên cứu tài liệu về phương pháp sản xuất hữu cơ để ứng dụng vào trồng hành

Ông Võ Văn Vân (ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) trồng hành theo hướng hữu cơ gần 2 năm nay. Trên diện tích gần 1ha, ông Vân áp dụng phương pháp hữu cơ trong khâu bón lót với các loại phân bò, gà, xơ dừa,... Theo ông Vân, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch của cây hành tầm 60 ngày. Úng lá là bệnh hay gặp nhất của cây. Khi cây bệnh nặng phải dùng thuốc hóa học, nếu không sẽ lây lan rất nhanh. Do đó, để tránh phải dùng thuốc hóa học, tốt nhất là dùng liệu pháp hữu cơ để phòng. Ông Vân cho biết: “Hành lá trồng theo cách hữu cơ tuy năng suất không cao lắm nhưng sản phẩm đẹp, mướt, màu xanh bắt mắt, an toàn cho người tiêu dùng”.

Thông tin từ Hội Nông dân huyện Cần Giuộc, năm 2024, toàn huyện có hơn 1.337ha rau ứng dụng công nghệ cao. Hội phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao (trồng rau trong nhà lưới, nhà màng; sử dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm; sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học), nhân rộng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh như Cánh đồng mơ ước; Vườn xanh, ruộng sạch, sản xuất an toàn; hệ thống tưới tuần hoàn trong trồng hoa lan, dưa lưới và rau thủy canh; ứng dụng tưới thông minh trong sản xuất;...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện quan tâm, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản; kịp thời phối hợp các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao cho nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thành công.

Có thể thấy, nông nghiệp hữu cơ ngày càng được nông dân hưởng ứng bởi sự hiệu quả, an toàn. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường thì đây là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp./.

Bước đầu áp dụng nông nghiệp hữu cơ 

Nhận thức rõ vai trò của nông nghiệp hữu cơ trong việc bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, xã An Vĩnh Ngãi chủ động lồng ghép sản xuất hữu cơ vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Lê An

Chia sẻ bài viết