Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 14:00

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi bền vững

Sau 2 năm triển khai, thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, nền nông nghiệp Long An có nhiều khởi sắc.

Kết quả bước đầu

Với sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện đề án, đến nay, tỉnh cơ bản hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Cụ thể, cây lúa, thực hiện 600ha/kế hoạch 4.200ha, đạt 14,3%; cây rau, hình thành các vùng sản xuất rau ƯDCNC với tổng diện tích 560,7/530,6ha; cây thanh long, cơ bản hình thành các vùng sản xuất ƯDCNC với tổng diện tích 301,8ha; chăn nuôi bò thịt ƯDCNC 710 con/kế hoạch 1.000 con.

Long An với lợi thế về đất, nước, cây trồng, vật nuôi và con người nên để sản xuất nông nghiệp CNC hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, đồng thời phải tiếp cận thị trường. Khi xác định được thị trường thì chúng ta tiến hành quy hoạch vùng thích hợp để tổ chức hạ tầng cho nông dân tham gia sản xuất nguyên liệu, không để nông dân sản xuất tự phát; phải tìm cho được doanh nghiệp biết tổ chức chế biến sản phẩm có thương hiệu từ nguyên liệu sản xuất tại tỉnh, biết quản lý kinh doanh sản phẩm của dự án.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Vụ Đông Xuân 2016-2017, HTX tham gia mô hình sản xuất lúa ƯDCNC được 50ha với các khâu: San bằng mặt ruộng bằng tia laser, sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 100kg/ha (75%), sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm Sumitri xử lý ngộ độc hữu cơ; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; ứng dụng máy cấy. So với ngoài mô hình, sản xuất lúa ƯDCNC đạt lợi nhuận cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ”.

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Ngoài cây lúa, ƯDCNC trong sản xuất rau cũng mang lại nhiều kết quả. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PT) huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Thời gian qua, mô hình trồng rau ƯDCNC được nhân rộng trên địa bàn huyện với diện tích 183,3ha. Thực hiện mô hình, lượng phân vô cơ sử dụng giảm từ 10-40kg/ha, rau ít sâu, bệnh, năng suất cao hơn bên ngoài mô hình từ 200-500kg/1.000m2. Huyện hoàn chỉnh lắp đặt 2 mô hình nhà lưới tại xã Long Trạch, Long Khê”.

Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, THT chú trọng sản xuất ƯDCNC với phương pháp che phủ lưới và hệ thống tưới tự động. Áp dụng phương pháp trên giảm chi phí phân bón, công lao động và tăng độ phì nhiêu cho đất, bảo đảm cây trồng có độ ẩm tốt, rau phát triển nhanh hơn; giảm khoảng 50% lượng thuốc trừ sâu và rút ngắn thời gian thu hoạch rau từ 5-6 ngày. Lợi nhuận tăng khoảng 4 triệu đồng/1.000m2/vụ”.

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, năng suất tăng 5-20%

Theo anh Lê Phước Tồn - thành viên THT Mười Hai: “THT có hướng đi phù hợp nhằm nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác. Mô hình sản xuất này còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ, lẻ, tự cung, tự cấp của nông dân để hướng đến sản xuất quy mô lớn và nền nông nghiệp sạch”.

Phát triển bền vững

Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC còn gặp những khó khăn: Thiếu quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành hàng chủ lực làm vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành nông nghiệp; bình quân đất canh tác/hộ thấp, tâm lý người dân ngại vào THT, HTX gây khó khăn cho việc triển khai, thực hiện đề án; thiếu chuyên gia vừa am hiểu sâu thực trạng sản xuất của tỉnh, vừa có thể tư vấn tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình;... Mặt khác, khi đến thỏa thuận hợp tác, doanh nghiệp đòi hỏi yêu cầu cao (sản xuất sạch), trong khi đó, người dân, THT, HTX chưa đáp ứng,...

Nông dân Châu Thành tham gia mô hình phát triển thanh long ứng dụng công nghệ cao

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: “Để thực hiện hiệu quả đề án, thời gian tới, ngành tập trung phối hợp các ngành liên quan, địa phương trong triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả; tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện chương trình; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia THT, HTX. Đồng thời, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng,...; lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, có khả năng nhân rộng, bảo đảm hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân, trong đó, ưu tiên về công nghệ sinh học, thâm canh, thông tin và tự động hóa. Bên cạnh đó, ngành tập trung xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; giới thiệu, quảng bá một số nông sản chất lượng cao thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, nhằm hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, dự kiến hỗ trợ trên 14 tỉ đồng để xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC giai đoạn 2017-2020”./.

Tỉnh cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp CNC. Cụ thể, ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế: Thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, xuất khẩu, nhập khẩu; hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm Chương trình Quốc gia phát triển CNC;... để thu hút doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ) - Võ Quan Huy

Hải Phong

Chia sẻ bài viết