Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

 
Với nhiều lợi thế về phát triển du lịch và có số lượng sản phẩm OCOP ngày càng gia tăng về số lượng lẫn chất lượng, hình thành các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, góp phần đưa Long An trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.
 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nối liền TP.HCM với các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có đường biên giới dài tiếp giáp Vương quốc Campuchia; cửa khẩu quốc tế; hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy tương đối hoàn thiện,... Hơn hết, tỉnh có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Khu du lịch Làng nổi Tân Lập; Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen; Nhà Trăm cột,... Tại các điểm đến, du khách không chỉ được hòa mình với cảnh đẹp mà còn thưởng thức các sản phẩm đặc trưng từ chương trình OCOP.

 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

 

Khi về vùng đất Cần Đước, du khách vừa được tham quan Đồn Rạch Cát, Nhà Trăm cột, vừa mua được các sản phẩm đặc trưng của địa phương mang về làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè. Một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cần Đước là lạp xưởng tươi Cô Châu (số 63B, khu 1B, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước).

Lạp xưởng tươi Cô Châu được làm chủ yếu qua 3 công đoạn: Thịt rửa sạch, cắt nhỏ, sau đó ướp gia vị và dồn thịt, trong đó khâu ướp gia vị là quan trọng nhất vì phải ướp bằng rượu gia truyền của gia đình. Khi hoàn thành, lạp xưởng được rửa sạch, phơi nắng (hoặc sấy) và đóng gói. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng để tạo nên thương hiệu, ngoài cách chọn nguyên liệu, ướp gia vị thì người theo nghề phải có cái tâm, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần.

 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

Chị Lưu Thị Kim Châu (chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi Cô Châu) cho biết: “Thịt làm lạp xưởng ở Cơ sở Cô Châu được cắt nhỏ, không xay nhuyễn như các cơ sở khác và được ướp với rượu gia truyền. Đây chính là bí quyết làm nên thương hiệu lạp xưởng tươi Cô Châu. Năm 2021, lạp xưởng tươi Cô Châu được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ vậy, thương hiệu lạp xưởng tươi Cô Châu được nhiều người biết đến. Trung bình hàng tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường từ 1-2 tấn, còn dịp lễ, tết trên 5 tấn/tháng”.
 
Và thật thiếu sót khi về Cần Đước mà không tìm hiểu nghề làm mắm truyền thống và mua các loại mắm như mắm ruốc, mắm cá sặt, mắm cá linh, mắm đu đủ, mắm dưa gang, mắm dưa leo, mắm cà pháo của Công ty TNHH Mắm Bà Thạo (số 179, đê bao Rạch Cát, ấp Bình Hòa, xã Tân Lân) vừa được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ra đời từ năm 1956, mắm Bà Thạo đã và đang gìn giữ nghề mắm truyền thống cũng như khẳng định giá trị của loại món ăn dân dã. Mắm Bà Thạo vừa được áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, vừa kết hợp nhuần nhuyễn với những bí quyết, kỹ thuật truyền thống của nghề làm mắm cũng như cải tiến chất lượng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.
 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

 

Mắm Bà Thạo đưa ra thị trường với 13 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm gồm mắm ruốc, mắm cá sặt, mắm cá linh, mắm đu đủ, mắm dưa gang, mắm dưa leo, mắm cà pháo được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Tất cả sản phẩm đều được tiêu thụ hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

Quy trình sản xuất mắm Bà Thạo rất nghiêm ngặt. Sau khi nhập nguồn nguyên liệu cá, tôm, người thợ sẽ dùng máy để đánh vảy, đánh ruột, vệ sinh, để ráo và vào muối, sau đó đem ủ cá đến khi đủ độ mặn sẽ bắt đầu “chao thính” vào phôi mắm để phôi mắm lên men, sinh lợi khuẩn, khi đó, quá trình ủ chượp hình thành. Thời gian ủ chượp con mắm kéo dài từ 8-12 tháng, trong thời gian này, người thợ phải thường xuyên chăm sóc bể ủ, con mắm để kịp thời xử lý và loại bỏ những tác nhân bất lợi. Phần thính để làm mắm thường dùng gạo rang vàng rồi giã nhuyễn, còn đường thì chọn đường thốt nốt. Ông Trần Chấn Thiên (đại diện Công ty TNHH Mắm Bà Thạo) chia sẻ: “Làm mắm trải qua nhiều công đoạn, trong đó khó nhất là ủ mắm sao cho đủ độ mặn và chao thính để giữ được mùi vị đặc trưng của mắm, tuyệt đối không sử dụng phụ gia hóa chất. Những người có tay nghề lâu năm mới có thể xử lý đúng chuẩn. Định hướng phát triển thời gian tới của công ty là xây dựng được thương hiệu mắm Bà Thạo không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước, làm sao giúp khách hàng quốc tế cầm đến sản phẩm mắm Bà Thạo là nhận diện được đặc sản của Việt Nam”.
 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

 

Xuôi theo Quốc lộ 62 về vùng Đồng Tháp Mười, du khách đến tham quan Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa). Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười mà còn có thể tự tay chưng cất các loại tinh dầu từ thiên nhiên, sau đó có thể mua những loại dược liệu làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè sau chuyến du lịch về với thiên nhiên như kem liền sẹo mù u M. SEO, dung dịch rửa tay khô MELAVIE, tinh dầu tràm gió Mộc Hóa Việt Nam, tinh dầu xịt phòng MELAROMA, tinh dầu lau sàn MỘC S, tinh dầu tràm trà TRA TRA. Và du khách hãy an tâm về chất lượng bởi các sản phẩm này đều đạt chuẩn OCOP 4 sao và đang làm hồ sơ, thủ tục để tiếp tục công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

Với mong muốn mang lại những sản phẩm tốt cho sức khỏe, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) - Nguyễn Văn Hiển đã xây dựng khu nuôi trồng đông trùng hạ thảo và nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm đa dạng, tiện ích. Trong đó, 4 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là bột dinh dưỡng Đông trùng hạ thảo, trà thảo mộc Đông trùng hạ thảo, trà Olong Đông trùng hạ thảo cao cấp và Đông trùng hạ thảo khô.

Ông Hiển cho biết: "Tôi không phải là người đầu tiên nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ đó mà các sản phẩm của công ty đã được chắt lọc và hoàn thiện từ những kinh nghiệm quý giá của những người đi trước. Cùng với tư duy sáng tạo và sự nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi đã đưa đông trùng hạ thảo đến gần gũi với mọi người hơn bằng những sản phẩm tiên phong và đột phá. Hiện nay, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh,... Còn trong nước, các sản phẩm đã được phân phối qua hệ thống siêu thị Aeon, Lotte, các sàn thương mại điện tử,...".

 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

 

“Bên cạnh những sản phẩm về đông trùng hạ thảo, công ty cũng tiếp tục phát triển OCOP cho các sản phẩm được chế biến từ chanh. Đến thời điểm này, chúng tôi đã nghiên cứu, đưa ra thị trường khoảng 40 sản phẩm chế biến từ chanh và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng” - ông Hiển cho biết thêm.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu các loại nông sản nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương phát triển. Trong đó, chương trình OCOP được xác định là hướng đi tất yếu giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nâng cao năng suất và giá trị cây trồng, vật nuôi, tạo “sức bật” để nông sản địa phương vươn tới các thị trường lớn trong và ngoài nước. Đến cuối tháng 7/2022, tỉnh có 42 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 26 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, nhìn chung, các sản phẩm OCOP của tỉnh rất đa dạng với nhiều sản phẩm được phát triển từ các nguyên liệu truyền thống. Dù được phân ở hạng sao nào thì các sản phẩm đều được đánh giá cao vì đó là tâm huyết với nhiều công sức, nguồn lực được các chủ thể đầu tư./.

 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

 

Phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP

 
Ngày xuất bản: 15/09/2022
Chia sẻ: