Tiếng Việt | English

13/12/2019 - 11:04

Phát huy truyền thống, tiếp tục xây dựng ngành đo đạc và bản đồ ngày càng phát triển

Thời gian qua, ngành đo đạc và bản đồ tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh; làm cơ sở phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch, thăm dò, khai thác các loại tài nguyên, đặc biệt phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai,...


Công tác đo đạc và bản đồ trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực 

Kết quả khả quan 

Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 991/QĐ-TTg “Hàng năm lấy ngày 14/12 là Ngày truyền thống ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam”.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Võ Minh Thành, từ năm 1975 đến 1980, công tác đo đạc và bản đồ ở Long An chủ yếu dựa vào các tài liệu do chế độ cũ từ thời Pháp thuộc để lại, đa phần là lược đồ giải thửa tỷ lệ 1/4.000, chỉ sử dụng cho mục đích điều tra đất theo Quyết định số 169/QĐ-CP của Chính phủ. 

Năm 1981, thực hiện tinh thần Chỉ thị số 299/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đo đạc, phân hạng, đăng ký thống kê đất, ruộng đất, Trung ương đầu tư ảnh máy bay xây dựng bản đồ địa chính phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo mẫu của tỉnh (mẫu tấc đất, tấc vàng). 

Từ năm 1992 đến nay, Long An bắt đầu đầu tư cho công tác đo đạc cơ bản chính quy có gắn hệ tọa độ như lập lưới địa chính I, II; lập bản đồ địa chính bằng phương pháp điều vẽ ảnh hàng không cho toàn tỉnh; lập bản đồ địa chính bằng phương pháp đo đạc trực tiếp (nâng tỷ lệ bản đồ) các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ, Tân Thạnh, Tân Hưng, Đức Huệ, Bến Lức, Đức Hòa, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Sau đó, các huyện còn lại trong tỉnh. Công tác đo đạc và bản đồ từng bước có sự hoàn thiện và phát triển.

Sau khi quyết định thành lập, Sở là cơ quan chuyên môn và được UBND tỉnh giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng - thủy văn, đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đã được quy định rất cụ thể.

Hoạt động đo đạc và bản đồ bước đầu tập trung, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thành lập các sản phẩm đo đạc và bản đồ đáp ứng nhu cầu sử dụng chung cho các ngành và địa phương. Các sản phẩm đo đạc và bản đồ là những tài liệu cơ bản: Các loại bản đồ, số liệu tọa độ, độ cao,… phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, góp phần phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh; làm cơ sở phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch, thăm dò, khai thác các loại tài nguyên, đặc biệt phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai,…

Long An cơ bản hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp GCNQSDĐ, lập hồ sơ địa chính trên phạm vi toàn tỉnh với tổng diện tích 449.493,78ha, đạt 100% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2014). 

Bên cạnh đó, Long An là 1 trong 33 tỉnh tham gia dự án VILG (tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai - tỉnh Long An), trong đó có 3 hợp phần chính: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu; Hỗ trợ quản lý dự án. Hiện nay, tỉnh đang triển khai 2 hợp phần (Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu; hỗ trợ quản lý dự án) tại huyện Cần Giuộc và TP.Tân An. Kế hoạch trong năm 2020, tiếp tục triển khai tại 3 huyện Cần Đước, Thủ Thừa và Tân Thạnh.

Từ năm 2008 đến nay, được sự quan tâm của Bộ TN&MT, tỉnh Long An đã và đang đầu tư kinh phí lập và thực hiện các dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án kinh tế - kỹ thuật, gồm: Xây dựng lưới địa chính, đo đạc thành lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên phạm vi 72 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 10 huyện, thị xã; đo đạc lập bản đồ địa chính được tổng cộng 90.544,73ha. 

Ngoài những công nghệ truyền thống như sử dụng máy Toàn đạc điện tử; công nghệ ảnh hàng không; công nghệ GNSS đo tĩnh, đo động sử dụng sóng radio; đo thủy chuẩn máy quang cơ,… các đơn vị đã đưa vào ứng dụng công nghệ mới và một số áp dụng thực tế như công nghệ đo thủy chuẩn điện tử; công nghệ ảnh viễn thám; công nghệ trạm Cors; công nghệ Lidar; công nghệ GIS; công nghệ đo Trọng lực tuyệt đối (máy FGX-5); đo trọng lực tương đối độ chính xác cao (máy CG-5),… 

Nhờ làm tốt công tác đo đạc và bản đồ góp phần dễ dàng tìm kiếm các thông tin liên quan đất đai

Tiếp tục phát huy

Ông Võ Minh Thành thông tin: Ngành đo đạc và bản đồ đạt nhiều kết quả, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần vào công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn. 

Tuy nhiên, hiện ngành vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, hệ thống tư liệu đo đạc và bản đồ nền hiện nay trong quá trình sử dụng còn một số hạn chế nhất định, hệ thống bản đồ địa chính trên địa bàn toàn tỉnh được thành lập chủ yếu bằng phương pháp ảnh hàng không ở tỷ lệ nhỏ, thời gian bay chụp và phương pháp thực hiện chưa đồng bộ ở từng khu vực nên độ chính xác còn hạn chế. Tình hình biến động đất đai rất lớn nên có một số khu vực không thể chỉnh lý biến động trực tiếp trên bản đồ địa chính, mà phải thành lập mới bản đồ địa chính tỷ lệ cao hơn.

Quản lý mốc tọa độ theo quy định tương đối rõ ràng nhưng do cơ chế bộ máy, nhất là cán bộ địa chính thường xuyên thay đổi dẫn đến việc theo dõi, quản lý chưa chặt chẽ, không cập nhật kịp thời các mốc địa chính cơ sở bị mất, hư hỏng. Mặt khác, do các công trình giao thông, thủy lợi gây ảnh hưởng hư hại đến các điểm mốc. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm công tác cập nhật chỉnh lý biến động trên bản đồ và hồ sơ địa chính, chưa hoàn thiện và nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai theo hướng hiện đại hóa.
“Để khắc phục khó khăn và phát huy hiệu quả, Sở thực hiện kiểm tra, rà soát, thẩm định và trình Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (trích đo địa chính,…) cho các đơn vị theo nhu cầu; kiến nghị Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam quan tâm đầu tư bổ sung các mốc địa chính cơ sở bị mất, hư hỏng trên địa bàn tỉnh Long An, đầu tư chỉnh lý bổ sung bản đồ nền địa hình phục vụ chuyên ngành, cụ thể như mạng lưới giao thông dân cư. Bên cạnh đó, Sở đôn đốc bàn giao, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm dự án đo đạc nâng tỷ lệ bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, tăng cường công tác cập nhật, chỉnh lý biến động trên bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính để khai thác, quản lý sử dụng phát huy tối đa và hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và việc kiểm tra, giám sát của đơn vị tham mưu quản lý nhà nước. Ngoài ra, Sở tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành về đo đạc bản đồ, tập trung đối tượng là cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn; tiếp cận những kiến thức, khoa học - công nghệ về đo đạc bản đồ" - ông Võ Minh Thành thông tin thêm./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết