Tiếng Việt | English

01/09/2018 - 11:10

Phát huy truyền thống, phát triển nhanh và bền vững

Long An có bề dày truyền thống cách mạng, “đi tiên phong trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam bộ”. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, Long An ngày nay năng động trong phát triển, từng bước bứt phá vươn lên, phát triển nhanh, bền vững.

Giàu truyền thống

Theo Địa chí Long An, sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (ngày 23/11/1940), Đảng bộ Tân An sớm chủ động phục hồi lực lượng. Đến tháng 8/1945, công việc xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, khí thế cách mạng lên cao chưa từng thấy. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam kỳ triệu tập cuộc họp tại Chợ Đệm (Bình Chánh, TP.HCM bây giờ), quyết định đưa Việt Minh ra công khai, đồng thời chọn ngày 23/8/1945 tiến hành khởi nghĩa thí điểm ở Tân An.

Chấp hành quyết định của Xứ ủy, Tân An gấp rút chuẩn bị. Tỉnh ủy họp khẩn, ra “Nghị quyết đỏ”, phân công các tỉnh ủy viên tổ chức may sẵn cờ đỏ sao vàng, tập trung người và vũ khí về chung quanh thị xã, đợi chờ hành động và dự kiến danh sách UBND cách mạng lâm thời của tỉnh. Nghị quyết được phổ biến về tận các quận, tỉnh lỵ. Đặc biệt, tỉnh Tân An lúc bấy giờ còn tổ chức được 2 lò rèn vũ khí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Long An nhất tề vùng lên giành chính quyền thắng lợi ngay trong ngày 21/8/1945. Sáng ngày 22/8/1945, trên 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc míttinh chào mừng cách mạng thắng lợi. Từ đây, cùng với cả nước, nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, ra sức bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, xây dựng một cuộc sống mới. 

Năng động trong phát triển kinh tế

73 mùa thu đi qua, Long An bây giờ đang từng ngày bứt phá vươn lên. Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà ra sức xây dựng, quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, tỉnh còn chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để phát triển nhanh và bền vững. 

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Semitec Electronics đóng tại Khu nhà xưởng Kizuna, Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc

Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) với nhau, kết nối với TP.HCM và kết nối đến Cảng Long An. Từ đó, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh tập trung nhiều biện pháp và chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm mang đến sự hài lòng cho doanh nghiệp (DN). Đến nay, toàn tỉnh có 16 KCN và 17 CCN đang hoạt động; trên 10.000 DN trong nước đầu tư sản xuất, kinh doanh với số vốn đăng ký trên 243.000 tỉ đồng. Trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay, toàn tỉnh có 923 dự án với tổng vốn đăng ký gần 6.000 triệu USD, trong đó có gần 570 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn trên 3.570 triệu USD. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được thông tin: “Nhờ thu hút đầu tư tốt, nhất là trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đến nay, kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, khu vực công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh. 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 10,96%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây và là tiền đề giữ nhịp tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm cũng như những năm tiếp theo”.

Hiện tại, Long An là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên lĩnh vực sản xuất từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các sản phẩm chế biến chế tạo, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến bất động sản. Minh chứng là trong những năm qua, có nhiều nhà máy sản xuất chuyên về nông sản đi vào hoạt động như Nafood (Đức Hòa), An Hưng Nông (Thạnh Hóa),... Tổng Giám đốc Công ty (Cty) TNHH An Hưng Nông (Agrifarm) - Trần Quốc Cường cho biết: “Nhà máy ra đời nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ các loại nông sản, đặc biệt là trái cây, góp phần gia tăng chuỗi giá trị từ các loại nông sản. Hiện, nhà máy hoàn thiện dây chuyền chế biến nông sản theo tiêu chuẩn HACCP. Sản phẩm được chế biến theo nhiều dạng: Cấp đông, đóng lon, nước ép tươi, nước ép cô đặc các loại trái cây như thanh long, bơ, khóm, chanh dây, bắp, xoài, cam, dừa,... Mỗi tháng, nhà máy sản xuất trên 4.000 tấn thành phẩm cung cấp cho đối tác trong và ngoài nước. Mục tiêu của Cty là liên kết bao tiêu sản phẩm thanh long, cung cấp vật tư phân bón nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất khép kín”. 

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 4,34 tỉ USD. 6 tháng năm 2018, toàn tỉnh xuất khẩu đạt 2,55 tỉ USD, tăng 20,9% so cùng kỳ năm 2017. Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, hiện các doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 73% toàn tỉnh. 

Là DN chỉ mới đi vào hoạt động tại Long An 3 năm nhưng nhờ các chính sách đầu tư thông thoáng, thuận lợi nên Cty TNHH MTV Semitec Electronics (Khu nhà xưởng Kizuna, KCN Tân Kim, huyện Cần Giuộc) dần đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định. Hiện bình quân mỗi tháng Cty sản xuất trên 2,4 triệu sản phẩm: Cảm biến nhiệt độ dùng cho các thiết bị đo nhiệt độ như xe ôtô, thiết bị OA và thiết bị gia dụng. Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Semitec Electronics - Yoo Myung Sun cho biết, hiện 95% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Theo kế hoạch, đến năm 2019, Cty sẽ nâng mức 3 triệu sản phẩm/tháng. Ông Yoo Myung Sun cho rằng, môi trường đầu tư tại Long An rất lý tưởng. 

Hiện, xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như thanh long, chanh không hạt, lúa chất lượng cao

Ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 5,12%, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng này là lĩnh vực trồng trọt và thủy sản. Trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lúa tăng mạnh (khoảng 10% so cùng kỳ năm 2017), chủ yếu là do tăng diện tích. Sản lượng thanh long cũng tăng mạnh và mang lại giá trị xuất khẩu cao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng phấn khởi: “Đạt kết quả trên là do nông dân tăng cường áp dụng các phương pháp, công nghệ sản xuất mới, hiệu quả hơn, dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát hiệu quả. Hiện, xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như thanh long, chanh không hạt, lúa chất lượng cao,...”. 

Mùa thu cách nay 73 năm, Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước vừa giành độc lập, lại phải đối đầu với thù trong, giặc ngoài lăm le lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. 

Nối chí tiền nhân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn ra sức kế thừa, phát huy thành quả cách mạng, ra sức xây dựng quê hương để Long An ngày càng trở nên năng động, phát triển nhanh và bền vững./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết