Tiếng Việt | English

23/12/2015 - 14:08

Phan Văn Đạt – Lê Cao Dõng: Tiếng trung nghĩa của Nam kỳ

Nửa cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp mới xâm lược nước ta, trên đất Tân Thạnh, tỉnh Định Tường (nay là Châu Thành, Long An) có 2 gương trung liệt chống Pháp rất tiêu biểu, tên của họ không chỉ được lưu danh sử sách mà còn được người đứng đầu triều đình nhà Nguyễn ban dụ khen thưởng, hơn thế - nhà vua còn khóc và làm thơ ngợi ca… Đó là cử nhân Phan Văn Đạt và hương thân Lê Cao Dõng.

Nguyễn Thông trong “Phan Văn Đạt truyện” cho biết: ông Phan sinh năm 1827, quê ở thôn Bình Thanh (nay là xã Phú Ngãi Trị); thông hiểu kinh sử, đậu cử nhân khóa Mậu Thân (1848) nhưng không ra làm quan, tính tình ngay thẳng, không a dua xu nịnh, được mọi người kính trọng. Làng xóm, hễ ai có chuyện xích mích đều nhờ đến ông phân xử.

Năm 1861, Phan Văn Đạt cùng Trịnh Quang Nghị (cậu ruột của Nguyễn Thông) và Phan Trung phát hịch, khởi binh chống Pháp ở Tân Thạnh. Trong trận đánh quân Pháp tại khu vực cầu Biện Trẹt ngày 1-9-1861 (16 tháng 7 năm Tân Dậu), ông bị giặc vây bắt cùng với 8 người khác.

Khi đó, ai nấy đều lo lắng. Ông Đạt dặn mọi người không được sợ hãi, mọi sự để ông tự liệu. Lúc rơi vào tay địch, ông điềm nhiên tỏ rõ tiết tháo với khí phách bất khuất. Ông bảo viên thông ngôn, các người bị bắt đều vô tội, chỉ mình ông chịu trách nhiệm và quay sang mắng thẳng vào mặt bọn Tây: "…Chúng bay lấy mê đạo dụ người, nay dám xông vào đất nước ta, cướp bóc, hiếp dâm, làm điều vô đạo… Ta rất tiếc lúc sống không giết hết được lũ bay, nhưng lúc chết ta sẽ ngầm giúp mọi người ứng nghĩa, giết sạch bọn bay mới toại nguyện ta…" - nói rồi, ông nhận hết "tội chết" về mình; quả nhiên 8 người bị bắt đều được thoát.

Giặc tra tấn, không làm Phan khiếp sợ; chúng còn bị ông dùng lời lẽ như dao sắc đáp trả. Người Pháp bấy giờ bất lực đã man rợ đem móc sắt đâm thẳng vào cổ họng ông, rồi kéo rút lên đỉnh cột tàu đậu ở mé sông Vũng Gù (đoạn gần bến đò Chú Tiết, nay thuộc TP.Tân An). Phan Văn Đạt bị treo xác suốt 3 ngày ròng. Năm ấy ông 34 tuổi.

Hồ sơ tên đường tỉnh lỵ Tân An cho biết, Lê Cao Dõng là người thôn Thuận Mỹ (nay là xã Thuận Mỹ, chưa rõ năm sinh) từng là hương thân, tính tình nhân hậu, rất được dân trong vùng yêu mến. Ngày giặc Pháp tấn công thành Gia Định, Lê Cao Dõng cùng Đỗ Trình Thoại (Tri huyện) tập hợp nghĩa binh theo Trương Định chống Pháp.

Tháng 6-1861, quân Pháp tấn công căn cứ Quy Sơn của Trương Định, Đỗ Trình Thoại hy sinh tại trận, Lê Cao Dõng bị giặc bắn gãy xương sống và bị tay sai giặc bắt đem nộp lấy thưởng. Người Pháp ra sức chữa chạy để khai thác, nhưng trước sau ông đều cự tuyệt nên bị chúng đem ra bắn giữa chợ.

(Có tài liệu cho biết: Hương thân Lê Cao Dõng chiến đấu ở Gia Định, bị giặc bắn gãy xương. Người Pháp đổ thuốc cứu, ông phun ra, cắn lưỡi tự vẫn, không để giặc khai thác. Mộ Lê Cao Dõng nay còn trên đường Bà Hạt, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Bài vị ông được thờ ở đền Trung nghĩa - Huế).

Sách Đại Nam Liệt truyện cua Quốc sử quán triều Nguyễn bổ sung thêm thông tin về cả 2 vị anh hùng trung nghĩa Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng như sau: Phan Văn Đạt, người Tân Thịnh, Định Tường, đỗ Hương tiến năm đầu Tự Đức (1848). Năm thứ 13 (1860), quân đại Pháp đánh phá thành Gia Định, Đạt cùng hương thân Lê Cao Dũng(1) hưởng ứng việc nghĩa, mộ dõng dân khởi sự, bị bắt đều không chịu khuất mà chết. Quan tỉnh đem tình hình tâu lên.

Vua thương xót, nhân đó xuống dụ rằng: “Bọn Đạt, một người chỉ mới đỗ đạt, một người (chỉ là) dự hàng hương thân, không ví được với người có lộc vị. (Thế mà) trước đã bí mật chiêu mộ nghĩa dân hưởng ứng việc nước, lòng nghĩa khái đã là đáng khen; đến khi bị bắt, lại thủ tiết không chịu khuất, hoặc cả tiếng mắng giặc, hoặc ngậm miệng lắc đầu không chịu (uống) thuốc mê. Lòng trung phẩm kích thích, vạc (nước nóng) không từ, khảng khái quên mình, coi chết như về, hạng khí tiết như thế, làm cho kẻ ham sống toát mồ hôi, người trọng nghĩa thêm hăng hái. Những truyện móc lưỡi, giùi rốn tiếng thơm bất hủ đời xưa, nay lại được thấy ở bọn này. Thế là cái chết nặng hơn thái sơn, trẫm nghe tâu lấy làm đau thương, mà khen là hùng tráng. Vậy nên hậu cấp tiền tuất để khuyến khích phong tục. Văn Đạt cho truy thụ hàm tri phủ, cấp tuất 40 lạng bạc; Cao Dũng, truy thụ hàm suất đội, cấp tuất 30 lạng. Chờ khi việc yên, sẽ cho dựng đền thờ ở quê, một năm xuân thu 2 lần tế. Sự trạng thế giao cho Sử quán kê cứu kỹ, dựng thành truyện”.

Vua lại làm bài thơ cổ phong 72 vần và liệt rõ cả sự trạng rồi cho thông lục đi 6 tỉnh Nam Kỳ khiến cho sĩ, dân đều được biết. Sau 2 người đều (được) liệt thờ vào Trung nghĩa từ”(2).

Đau thương mà hùng tráng, phải tuyên truyền giáo dục, dựng đền thờ ghi công gương trung liệt hy sinh vì nước - đó là thông điệp của người đứng đầu triều đình phong kiến nhà Nguyễn, rất đáng để hậu thế suy ngẫm và hành động.

Người đời nay hẳn vẫn vẳng nghe tiếng lòng vua Tự Đức từng khóc bằng thơ ngợi ca hai gương trung liệt Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng: “Tiếng trung nghĩa ở Nam Kỳ, không phải ngày nay mới có/ Xem tờ tấu thật đáng khen; khen đó, lại khóc đó/ Lời thơ lặp lại dài dòng; chỉ sợ còn điều thiếu sót/ Thương thay hai đấng nam nhi, danh tiết ngàn năm duy trì…”.

Giáo sư sử học Đinh Xuân Lam cho biết thêm(3): Trong cuộc biểu tình chống Pháp hồi những năm 1930 của đồng bào Nghệ - Tĩnh đã vang lên hai câu ca đề cao việc học tập hai tấm gương oanh liệt của Nam Kỳ: “Thịt Văn Đạt mà xương Cao Dõng/Thác nào ai hổ mặt với giang san”./.

Long Thái

(1) Quốc Sử quán triều Nguyễn đổi “Dõng” thành “Dũng” và viết “mộ dõng dân khởi sự”, có thể do phát âm của người dịch.
(2) Đại Nam Liệt truyện, Viện Sử học, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1993,trang 419.
(3) Đinh Xuân Lâm, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, số 2 (267), 1993, trang 14.

Chia sẻ bài viết