Tiếng Việt | English

09/12/2020 - 09:04

Phấn đấu 65% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch vào năm 2025

Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra đến năm 2025 có 65% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch. Hiện các địa phương, cơ quan chuyên môn có những kế hoạch và giải pháp triển khai, thực hiện chỉ tiêu này.

Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch đạt 51,82%

Đầu tư nhiều công trình cấp nước

Những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu người dân được đầu tư xây dựng. Những công trình này mang lại hiệu quả rõ rệt, cung cấp đủ nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng nước, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân.

Trước đây, gần 30 hộ dân sinh sống cặp tuyến kênh T35, ấp Hưng Thành, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng gặp rất nhiều khó khăn do không có nước sạch để sinh hoạt. Hàng ngày, người dân sử dụng nguồn nước từ tuyến kênh trước nhà nhưng bị ô nhiễm, phải lóng phèn để nấu ăn, uống, tắm, giặt,... Gần đây, được sự quan tâm đầu tư của huyện, tuyến ống truyền tải nước từ thị trấn Tân Hưng đã được kéo về khu vực này nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.

Bà Huỳnh Thị Chính, ngụ ấp Hưng Thành, xã Hưng Thạnh, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi cũng như những hộ dân ở đây phải sử dụng nước kênh dù biết không bảo đảm vệ sinh. Nay được sự quan tâm của Nhà nước, đưa nước sạch về nông thôn, chúng tôi yên tâm sử dụng, bảo đảm sức khỏe”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, hiện trên địa bàn huyện có 38 trạm cấp nước (TCN); trong đó, 25 TCN do UBND các xã quản lý, khai thác, 13 TCN do Công ty (Cty) Cổ phần (CP) Đô thị Tân Hưng quản lý, khai thác. Hầu hết các TCN đang vận hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cấp nước cho người dân sử dụng đạt tiêu chuẩn nước sạch theo Quy chuẩn 02/BYT của Bộ Y tế. Kết quả điều tra, Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cuối năm 2019, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,51%, nước sạch đạt 76,75%.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, việc đưa nước sạch về vùng nông thôn trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm như đầu tư xây dựng các TCN, đường ống dẫn nước về phục vụ người dân. Năm 2020, huyện phối hợp xây dựng TCN tập trung tại xã Phước Lại, Phước Vĩnh Đông; chủ động xây dựng TCN tập trung tại các xã: Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Vĩnh Tây và đường ống cấp nước chính từ Đường tỉnh (ĐT) 830 đến trạm Phước Vĩnh Đông.

Bên cạnh đó, huyện Cần Giuộc đấu thầu giao các TCN cho doanh nghiệp quản lý; truyền tải nước từ Nhà máy Nước Nhị thành, Thủ Thừa về địa bàn huyện với trữ lượng cấp khoảng 20.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho Cty CP Công trình đô thị Cần Giuộc và Cty CP Nước và Môi trường Băng Tâm, góp phần cung cấp nước cho các TCN trung chuyển đã được đầu tư tại các xã vùng hạ phục vụ người dân. Đầu năm 2020, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn của huyện sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,83%, nước sạch đạt 60,20%, ước tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch vùng nông thôn năm 2020 lên 73%.

Tập trung hoàn thành chỉ tiêu

Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra đến năm 2025 có 65% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch. Hiện các địa phương, cơ quan chuyên môn có những kế hoạch, giải pháp triển khai, thực hiện chỉ tiêu này.

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, để nâng cao tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch, năm 2020, huyện đầu tư thêm 3 TCN ở các xã Thái Bình Trung, Vĩnh Trị và Hưng Điền A, nâng tổng số TCN trên địa bàn lên 45 trạm. Theo Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cuối năm 2019, huyện có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khá cao: 70,10%. Tuy nhiên, còn 2 xã Tuyên Bình và Tuyên Bình Tây tỷ lệ 0%. Năm 2020, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt 2 địa phương này tập trung duy tu, sửa chữa, nâng cấp các đường ống dẫn nước; sửa chữa, đầu tư hệ thống bể lọc, châm clo khử trùng,... Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại xã Tuyên Bình Tây đạt 95,87% và xã Tuyên Bình 46,64%.

Thời gian tới, để nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn theo kế hoạch tỉnh giao và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp UBND các xã, Cty CP Cấp nước và Dịch vụ đô thị huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các TCN, đường ống truyền tải hiện hữu; sửa chữa, đầu tư hệ thống bể lọc, thường xuyên, định kỳ châm clo khử trùng để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

“Nhu cầu sử dụng nước sạch tại một số xã vùng hạ của huyện rất lớn. Hiện các trạm tăng áp đã được đầu tư nhưng chưa đủ nước để cung cấp cho người dân do tuyến ống chính trên ĐT830 hiện hữu không bảo đảm khả năng truyền tải đủ nguồn nước từ ngã tư Chợ Trạm đến các trạm tăng áp khu vực vùng hạ. Thời gian tới, huyện có chủ trương đấu nối dài tuyến ống cấp nước dọc theo ĐT830 (đoạn từ ngã tư Chợ Trạm đến Cảng Quốc tế Long An); đầu tư tuyến ống từ ngã tư Rạch Đào dọc theo ĐT826 đấu nối vào hệ thống mạng lưới cấp nước trên ĐT835; đầu tư tuyến ống dọc theo Quốc lộ (QL) 50 (từ ngã tư Chợ Trạm về thị trấn Cần Giuộc” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh - Hà Văn Thiệp cho biết, thời gian qua, công tác đầu tư cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn đạt một số kết quả tích cực, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, người dân có ý thức cao về sử dụng nước sạch và bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu các bệnh liên quan đến nguồn nước, tạo điều kiện phát triển KT-XH tại địa phương, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

“Thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư, trong đó chú trọng xây dựng các công trình có quy mô lớn, liên xã, liên huyện; từng bước xóa bỏ các công trình có quy mô nhỏ, chất lượng nước không đạt chuẩn; hạn chế mô hình UBND xã và cộng đồng quản lý là những mô hình hoạt động kém hiệu quả, thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cấp nước vùng tỉnh; tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cấp nước các dự án lớn, nguồn nước mặt ổn định, cấp nước liên huyện, liên tỉnh; tăng cường giám sát, xử phạt các doanh nghiệp cấp nước không thực hiện đúng theo thỏa thuận về dịch vụ, phân vùng cấp nước đã ký kết với địa phương,...” - ông Hà Văn Thiệp cho biết thêm./.

Theo kết quả điều tra cập nhật Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2019, toàn tỉnh có 1.547 trạm cấp nước nông thôn, công suất cấp nước khoảng 153.090m3/ngày đêm, cấp cho 251.209 hộ gia đình. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 51,82%.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết