Điều chưa từng có tiền lệ
Sau khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ được công bố với chiến thắng thuộc về ông Biden, Tổng thống Trump đã từ chối công nhận kết quả này, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý đến cùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.
Một số cựu quan chức của Mỹ cảnh báo, chính quyền ông Trump đang thực hiện các động thái chưa từng có để ngăn cản quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền kế nhiệm. Điều đó sẽ khiến Joe Biden và đội ngũ của ông có ít sự chuẩn bị để đối phó với Trung Quốc cùng nhiều thách thức khác khi họ lên nắm quyền vào ngày 20/1/2021.
Ông Christopher Hill – cựu đại sứ từng phục vụ dưới thời 2 tổng thống Dân Chủ và 2 tổng thống Cộng Hòa cho biết: “Tổng thống Trump sẽ không cho phép thực hiện bất cứ loại hình hợp tác nào. Đây là điều chưa từng có tiền lệ”.
Đối với các chính quyền trước đây, theo luật pháp, GSA phụ trách giám sát ngân sách, văn phòng làm việc và việc đi lại của chính phủ, sẽ chính thức phê chuẩn việc bắt đầu giai đoạn chuyển giao.
GSA được thành lập vào năm 1949, có chức năng đảm bảo sự hoạt động hiệu quả và phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên bang cũng như “dẫn đường” cho các chính quyền mới. Với sự phê chuẩn của cơ quan này, số tiền 6,3 triệu USD sẽ được giải ngân để tài trợ cho quá trình chuyển tiếp, các nhân viên mới được chuẩn bị văn phòng làm việc, truy cập các thông tin an ninh, thậm chí thông tin được bảo mật.
The Hill cho biết, theo thông lệ, GSA sẽ công nhận một ứng viên trở thành tổng thống đắc cử khi người này chiến thắng trong cuộc bầu cử một cách rõ ràng, từ đó cho phép đội ngũ của người thắng cử tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực.
Các quan chức trong chính quyền mới sẽ gặp gỡ người đồng cấp sắp mãn nhiệm để nắm bắt những thách thức mà chính phủ mới có thể phải đối mặt. Họ sẽ tiếp quản bộ máy điều hành liên bang khổng lồ với hàng triệu nhân viên, vì thế họ phải lên kế hoạch về cách thức tổ chức và vận hành bộ máy này. Theo luật, tân tổng thống cũng phải chuẩn bị cho quá trình chuyển giao.
Thế nhưng, bà Emily Murphy - người đứng đầu Cơ quan GSA, do ông Trump bổ nhiệm, đến nay vẫn từ chối ký vào văn bản để bắt đầu quá trình chuyển giao. Theo thông tin từ Yahoo News, 5 ngày trước cuộc bầu cử Mỹ, Tổng thống Trump đã cử một luật sư mới đảm nhận vai trò cố vấn của GSA để ứng phó trong trường hợp đội ngũ của ông Joe Biden đệ đơn kiện với cáo buộc bị ngăn cản tiếp cận các thông tin và các nguồn lực.
Nhiều cơ quan khác trong chính phủ cũng từ chối thực hiện việc chuyển giao, nói rằng họ phải chờ sự phê chuẩn của GSA. Còn người phát ngôn của GSA thì khẳng định: “Quyết định chính thức vẫn chưa được công bố. GSA sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tất cả các yêu cầu theo quy định của pháp luật”.
Tổng thống đắc cử Joe Biden hôm qua (10/11) cho biết, sẽ không có gì ngăn cản chính quyền của ông nhậm chức vào ngày 20/1, đồng thời nhấn mạnh ông đang xem xét lựa chọn các thành viên cho nội các mới.
“Hành động liều lĩnh”
Một số cựu quan chức đánh giá, việc chính quyền ông Trump từ chối hợp tác để chuyển giao quyền lực một cách hòa bình là “hành động liều lĩnh”.
“Vào ngày 20/1/2021, tất cả những vấn đề mà chính phủ Mỹ phải đối mặt, các vấn đề đối nội và đối ngoại, đều nằm trong tay của chính quyền mới. Do đó, chính quyền mới phải nắm bắt đầy đủ những gì đang diễn ra, trong đó có cả việc tiếp cận thông tin tuyệt mật, để hoạt động hiệu quả”, ông Mickey Kantor – người từng phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Bill Clinton nói.
Ông Christopher Hill, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đặc trách khu vực Đông Á dưới thời Tổng thống Obama cho biết, khi chính quyền của ông George W Bush chuyển giao quyền lực cho chính quyền ông Obama vào cuối năm 2008, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhanh chóng hoàn tất các công việc chuẩn bị để nhậm chức vào ngày 20/1.
“Trong trường hợp này, tôi cho rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ chỉ chuẩn bị chuyển giao khi nào Tổng thống Trump chấp nhận gặp người kế nhiệm, hoặc gặp nhóm chuyển tiếp, để bắt đầu các cuộc họp về những gì đang diễn ra”.
Sue Mi Terry, cựu quan chức tình báo từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chính quyền Bush và chính quyền Obama, khẳng định, vấn đề quan trọng đối với chính quyền ông Biden là họ chưa được tiếp cận các cuộc họp về thông tin tình báo.
“Những thông tin này sẽ giúp hình thành chiến lược ứng phó với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Nếu một người sắp đảm nhận công việc mới và một người khác chuẩn bị rời đi, sự hợp tác giữa các bên trong bàn giao công việc sẽ là điều tốt nhất. Nhưng chúng ta khó mong đợi chính quyền ông Trump thực hiện điều đó”.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Rudy de Leon nhận xét rằng: “Việc chuyển giao quyền lực cần phải được thực hiện một cách suôn sẻ, đặc biệt là đối với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, cộng đồng tình báo, để các thị trường tài chính và các đối thủ, bạn bè trên thế giới…tất cả mọi người đều biết rằng chính phủ Mỹ luôn duy trì hoạt động”.
Theo một số nhà phân tích, nếu các cố vấn chính sách đối ngoại của ông Biden không được tiếp cận với những thông tin mới nhất thì dù họ có tài giỏi và dày dạn kinh nghiệm thế nào đi chăng nữa, họ vẫn khó giải quyết các vấn đề. Tất cả những cựu quan chức từng trò chuyện với Washington Post nói rằng, việc chính quyền tiền nhiệm từ chối chuyển giao quyền lực, thậm chí không thừa nhận thất bại, là điều họ chưa từng chứng kiến trước đây.
Theo đánh giá của chuyên gia Mickey Kantor, sự chuyển giao giữa chính quyền ông George HW Bush và chính quyền Bill Clinton diễn ra trong bầu không khí “hợp tác và ủng hộ”, tương tự, quá trình chuyển giao của Bill Clinton và George W Bush cũng rất suôn sẻ, ngay cả khi Tòa án Tối cao can thiệp một vụ kiện để ngăn việc kiểm phiếu lại tại bang Florida và mang lại lợi thế cho ông Bush. Nhưng chính quyền ông Trump thì hoàn toàn khác biệt. Còn khoảng 10 tuần nữa trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Nếu không có sự phê chuẩn của GSA, chính quyền của ông sẽ mất quãng thời gian quý báu để đảm nhận và xử lý một khối lượng lớn công việc./.
Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)