Tiếng Việt | English

25/09/2019 - 19:24

Ông Triệu Tài Vinh: Đánh giá cán bộ là một trong những vấn đề khó nhất

Ông Triệu Tài Vinh cho rằng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ phải đánh giá được vai trò của người đứng đầu, phát huy dân chủ trong cấp ủy.

Hội thảo nhận được hơn 70 tham luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sáng 25/9, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo Khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn.”

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo.

Khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn

Ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ, do mới nhận quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khoảng hai tháng nên ông chia sẻ quan điểm, những kinh nghiệm từ góc độ địa phương, với tư cách nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Từ thực tiễn công tác, kinh nghiệm của bản thân, ông Triệu Tài Vinh nhận thấy giữa lý luận và thực tiễn là có khoảng cách. “Bởi vậy, khi đi làm rồi, tôi lại muốn được đi học thêm. Tôi không được quy hoạch công tác cán bộ cấp chiến lược, chỉ được bồi dưỡng bốn ngày làm ủy viên Trung ương Đảng. Tôi thấy như vậy rất ít!”

Theo ông Triệu Tài Vinh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là đổi mới công tác cán bộ, nhằm giải quyết những thách thức lớn hiện nay là tình trạng suy thoái đạo đức, “tự diễn biến,” “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang cho rằng công tác nhận xét, đánh giá cán bộ là một trong những vấn đề khó nhất. Yêu cầu đặt ra là phải đánh giá thế nào đúng, trúng và xuyên suốt, liên tục.

Do vậy, việc đánh giá phải dựa trên cả định tính (nhận xét tư tưởng của cán bộ) và định lượng (những yếu tố đo đếm được). Bên cạnh đó, ông Triệu Tài Vinh cũng cho rằng, cần đổi mới cách thức, tiêu chí nhận xét, chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của việc “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ.

Xây dựng chương trình hành động cá nhân

Chia sẻ bài học kinh nghiệm của Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh cho biết, địa phương này đã thực hiện việc hướng dẫn xây dựng các chương trình hành động cá nhân, tập thể đóng góp ý kiến.

Chia sẻ cụ thể hơn, ông Triệu Tài Vinh cho biết: “Khi nhận xét, tổ chức Đảng, đảng viên đều được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, chi bộ Đảng ở nông thôn nghèo vẫn nghèo. Điều đó thể hiện sự chưa thống nhất giữa tư duy chính trị và phát triển kinh tế. Bởi vậy, Hà Giang đặt ra yêu cầu, nếu tổ chức Đảng ‘hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ’ thì phải thay đổi được kinh tế địa phương.”


Ông Triệu Tài Vinh. (Ảnh: TTXVN)

Ông Triệu Tài Vinh cho biết: “Khi còn làm lãnh đạo tại địa phương, tôi đã tổ chức để đánh giá, đối chiếu mỗi bản kiểm điểm cá nhân của cán bộ với hiệu quả thực tế công tác của mỗi người. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ phải đánh giá được vai trò của người đứng đầu, phát huy dân chủ trong cấp ủy, nếu không sẽ dẫn đến nhiều tổ chức Đảng có sai phạm.”

Cũng tại buổi hội thảo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ: “Khi tôi phát biểu, nhiều người sẽ nghĩ tới chuyện năm 2013 - thời điểm facebook nói về việc ‘gia đình làm quan,’ rồi chuyện gian lận thi cử vừa qua. Cá nhân tôi phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó.”

Cụ thể, ông Triệu Tài Vinh cho rằng, việc “biết lựa chọn để xây dựng đề kháng của hệ thống chính trị với một bí thư tỉnh là quan trọng.” Bởi vậy, trước những luồng dư luận liên quan đến gia đình, chuyện gian lận thi cử xảy ra trên địa bàn Hà Giang, ông đã đối mặt và vượt qua.

Ngoài ra, các tham luận tại hội thảo khẳng định, để giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng dân tộc, khẳng định tính chính đáng, chính danh cầm quyền, trong những năm qua, Đảng đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được sau hơn 30 năm Đổi mới. Đó chính là sự đổi mới hệ thống phương pháp, hình thức, biện pháp, con đường mà Đảng sử dụng để lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa Cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, trước những bối cảnh, nhân tố, điều kiện mới hiện nay và trong thời gian tới, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đặt ra với những yêu cầu mới, cấp thiết hơn trên tất cả các bình diện.

Ông Hà Đăng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng, phương thức lãnh đạo không thể áp dụng máy móc cho mọi đối tượng, mà phải vận dụng linh hoạt cho từng đối tượng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo cũng nên theo hướng này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết