Tiếng Việt | English

13/07/2018 - 20:30

Ông Đặng Văn Hiến gửi đơn xin Chủ tịch nước ân xá

Ông Hiến kính xin Chủ tịch nước xem xét hoàn cảnh phạm tội của mình trong tình thế bị thúc ép, dồn nén quá lâu. Hơn nữa, lúc xảy ra vụ án, hàng chục công nhân - bị hại trong vụ án - dùng hung khí đe dọa ông và gia đình vào lúc tờ mờ sáng.

Ông Đặng Văn Hiến bị giải đi sau phiên tòa sơ thẩm tuyên y án tử hình - Ảnh: Trung Tân

Ngày 13/7, luật sư Nguyễn Văn Quynh - bào chữa cho ông Đặng Văn Hiến - cho biết ông Hiến đã có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, giảm án tử hình.

Trong đơn cầu cứu gửi Chủ tịch nước, ông Hiến nhắc đến việc từ năm 2008 Công ty Long Sơn nhiều lần càn quấy, phá hoại vườn cây của người dân tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, trong đó có đất rẫy gia đình ông.

Ông Hiến kính xin Chủ tịch nước, TAND Tối cao xem xét hoàn cảnh phạm tội của mình trong tình thế bị thúc ép, dồn nén quá lâu. Hơn nữa, lúc xảy ra vụ án, hàng chục công nhân - bị hại trong vụ án - dùng hung khí đe dọa ông và gia đình vào lúc tờ mờ sáng.

Vậy nên, lúc phạm tội, ông đang trong tình trạng bị kích động, không kiểm soát được bản thân... "Nếu được một lần tái sinh trong cuộc đời, tôi hứa sẽ là một công dân tốt, để con không mất bố, vợ không mất chồng", ông Hiến thiết tha viết trong đơn.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, sáng 12/7, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm và vẫn giữ nguyên án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến. 

Hội đồng xét xử cho biết ông Hiến có 7 ngày để viết đơn gửi chủ tịch nước xin ân xá, giảm án tử hình.

Các bị cáo khác trong vụ án này đều được giảm án, trong đó Ninh Viết Bình được giảm 2 năm còn 18 năm tù, Hà Văn Trường giảm 3 năm còn 9 năm tù, Nghiêm Thiên Xuân Sửu giảm 2 năm còn 4 năm tù và Phạm Công Thiện được giảm từ 4 xuống 2 năm tù.

Riêng Đoàn Văn Diện bị tuyên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, trước đó bị cấp sơ thẩm tuyên 9 tháng tù giam.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 2/2008 Công ty Long Sơn được UBND giao 1.079ha đất rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực để thực hiện dự án nông lâm nghiệp.

Đến tháng 6/2013, dự án được nhượng cho ông  Nguyễn Xuân Thiên Sửu và ông Sơn để vợ là Nguyễn Thị Hồng Tươi (59 tuổi) làm giám đốc.

Trong quá trình thực hiện dự án có một số hộ dân xâm canh, trong đó có hộ các ông Hoàng Văn Thắng, Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình nên xảy ra tranh chấp giữa hai bên trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp giải quyết.

Ngày 15/10/2016, ông Sửu gọi ông Thiện huy động công nhân, bảo vệ mang vũ khí, xe đi ủi cây cà phê, điều trên diện tích đất gia đình ông Thắng, Hiến canh tác.

Đến 6h sáng 23/10/2016, ông Sửu, Thiện chỉ đạo nhóm công nhân, bảo vệ công ty với vũ khí là dao rựa, khiên giáp cùng xe máy cày tiến về khu vực đất gia đình ông Thắng.

Tại đây, các xe ủi đã phá của gia đình ông Thắng, Hiến và ông Triệu Phụ Cao hơn 330 cây trồng các loại, thiệt hại 73,6 triệu đồng.

Sáng 23/10/2016, ông Hiến đang nằm ở nhà thì phát hiện khoảng 10 nhân viên Công ty Long Sơn chốt chặt các con đường để ngăn chặn người dân lên rẫy ông Thắng. Ông Hiến gọi ông Ninh Viết Bình và Ninh Viết Thọ lên hỗ trợ mình và ông Thắng.

Lúc sau, ông Hiến nghe xe ủi tiến về hướng vườn điều nhà mình nên lấy súng trong nhà đi ra chặn lại.Khi cách công nhân và máy ủi khoảng 5m thì ông Hiến dùng súng bắn chỉ thiên 1 phát.

Ngay lập tức, 10 thanh niên trong nhóm bảo vệ cầm đá ném về hướng ông Hiến. Ông Hiến bắn một phát vào nhóm người này rồi vào nhà đóng cửa, lên gác nhìn ra cửa sổ hướng vào nhóm công nhân ngắm bắn thêm nhiều phát.

Cùng lúc này, Ninh Viết Bình cũng cầm súng đi đến nhà ông Hiến. Sau đó, cả hai cầm mỗi người một khẩu súng tiến lên hướng nhà ông Thắng.

Đến nơi, cả ông Bình và ông Hiến bắn nhiều phát đạn về hướng máy ủi và công nhân Công ty Long Sơn. Khi nhóm công nhân, bảo vệ bỏ chạy thì hai người này truy đuổi, bắn thêm nhiều phát nữa.

Hậu quả làm 3 nhân viên Công ty Long Sơn là các anh Điểu Vinh, Điều Tào, Dương Văn Tiến chết tại chỗ, 13 người khác bị thương (tổn hại 6-54% sức khỏe)./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết