Tiếng Việt | English

26/11/2018 - 06:07

Oằn mình trong mưa bão

Hôm qua, 25/11, bão số 9 gây mưa lớn khiến đường sá ngập lụt, cây cối ngã đổ gây chết người, sạt lở... ở nhiều tỉnh thành phía nam.

Hôm qua, 25/11, bão số 9 gây mưa lớn khiến đường sá ngập lụt, cây cối ngã đổ gây chết người, sạt lở... ở nhiều tỉnh thành phía nam. Ảnh: Ngọc Dương - Nguyễn Long - Thiện Nhân

Bão đổ bộ nhanh vào TP.Vũng Tàu

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 8 giờ sáng 25/11, bão số 9 đã xuất hiện tại khu vực Hòn Bà, mũi Nghinh Phong và sau đó nhanh chóng đổ bộ vào TP.Vũng Tàu kèm theo mưa và gió lớn. Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu từ 0,3 - 0,5 m. Gió lớn cũng làm nhiều người dân đi xe máy ngoài đường bị ngã xe lăn lóc.

Trên nhiều tuyến đường tại TP.Vũng Tàu như Lê Hồng Phong, Nguyễn Du, Trương Định... có cây đổ, ngã. Tại Công ty công trình giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cây xà cừ hơn 100 tuổi đổ ngã, đập vào trụ sở khiến tòa nhà này bị hư hỏng nặng, 2 ô tô cũng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, cho biết thống kê chưa đầy đủ thì cơn bão số 9 đã làm 100 cây xanh bị gãy nhánh, 40 cây ngã đổ ra đường. Một số ghe lưới cá trích neo đậu ở Bãi Trước đứt dây trôi vào bờ và bị sóng đánh chìm tại chỗ.

Chiều qua, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết bão số 9 không gây thiệt hại về người tại địa phương nhưng đã làm nhiều nhà tạm, trường học, nhà dân bị tốc mái. Sở GD-ĐT cũng đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong ngày 26/11 và trở lại trường vào ngày 27/11.

Di dời hơn 2.000 du khách ở Mũi Né vì sạt lở kè

Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Thuận, tính đến trưa 25/11, bão số 9 đã làm 33 tàu thuyền bị sóng biển đánh chìm và 15 thuyền máy công suất nhỏ 20 CV bị hư hỏng nhưng chưa ghi nhận có thiệt hại về người. Đảo Phú Quý, nơi hứng cơn bão số 9 đầu tiên tại Bình Thuận, chưa xảy ra thiệt hại nào đáng kể.

 

Hàng loạt cây xanh ngã đổ tại TP.Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Long


Còn tại khu vực các resort ở P.Hàm Tiến (trung tâm du lịch Mũi Né, TP.Phan Thiết) bị sạt lở rất nghiêm trọng, trong đó nhà hàng thuộc khu nghỉ dưỡng Jou’s Cafe rơi xuống biển. Theo ông Nguyễn Nam Long, Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, tổng chiều dài đoạn sạt lở khu vực du lịch Mũi Né - Hàm Tiến khoảng 2,5 km, nhiều đoạn bị sóng đánh sập dù được kè kiên cố. Hơn 2.000 du khách nước ngoài đang cư trú ở các resort có kè bị sạt lở được di dời sang các địa điểm khác an toàn hơn. Đến trưa hôm qua, Bình Thuận đã di dời 1.880 nhân khẩu (495 hộ) ở TP.Phan Thiết, H.Hàm Tân và TX.La Gi đến nơi an toàn.

Đại lộ Nguyễn Tất Thành dẫn vào sân bay Cam Ranh bị ngập nặng. Ảnh: Nguyễn Chung

Chiều cùng ngày, sau khi đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 ở TX.La Gi và TP.Phan Thiết (Bình Thuận), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng - Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão T.Ư, đã đến kiểm tra khu sạt lở ở xã Bình Thuận, TT.Liên Hương của H.Tuy Phong.

Khánh Hòa: nhiều nơi ngập sâu, sạt lở

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết mưa lớn trong đêm 24, sáng 25/11 đã khiến nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu, sạt lở. Trên đại lộ Nguyễn Tất Thành nối Nha Trang đi sân bay Cam Ranh xuất hiện nhiều điểm ngập sâu từ 0,5 - 1 m, khiến các phương tiện giao thông qua lại rất khó khăn. Sáng 25/11, trên tuyến đường này còn xuất hiện các điểm sạt lở vách núi tại khu vực đèo Cù Hin, khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ.

Đường ở xã Cam Lập (TP.Cam Ranh) bị nước lũ cuốn trôi. ẢNH: C.N

Theo ông Dần, nghiêm trọng nhất là tỉnh lộ 9 nối TP.Cam Ranh đi huyện miền núi Khánh Sơn. Tại Km18 bị đứt đường khoảng 100 m, từ Km18 - Km28 xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng và có nguy cơ đứt đường nếu tiếp tục mưa; hiện tuyến đường đã tê liệt hoàn toàn. Trong khi đó, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Cục QLĐB III, Tổng cục Đường bộ VN), cho biết trong ngày 25/11, nhiều đoạn trên QL1 qua tỉnh Khánh Hòa bị ngập, các phương tiện qua lại rất khó khăn. Do mưa lớn khiến lượng nước không kịp qua hệ thống thoát nước, đồng thời lượng nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về khiến đường ngập rất nhanh, có nơi ngập sâu từ 0,5 - 0,8 m.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, thông tin trong đợt mưa lần này, trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ngập sâu. Đến tối qua, chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tại TP.Cam Ranh, ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Cam Lập (TP.Cam Ranh), cho biết mưa lớn đã gây thiệt hại nặng cho người nuôi trồng thủy sản. Ước tính có khoảng 80 ao đìa nuôi tôm, ốc hương của 50 hộ dân bị vỡ bờ bao, trôi ra biển; thiệt hại ban đầu ước tính hơn 10 tỉ đồng.

Cuối giờ chiều 25/11, tại Khánh Hòa tiếp tục có mưa; lũ trên sông Cái Nha Trang đã vượt báo động 2 và tiếp tục lên nhanh.

Nước lũ cuốn hư hỏng tuyến đường sắt bắc - nam

Đến 17 giờ ngày 25/11, Công ty quản lý đường sắt Thuận Hải vẫn đang khắc phục đoạn đường sắt đi qua địa bàn xã Công Hải, H.Thuận Bắc (Ninh Thuận) bị nước lũ tàn phá hư hỏng nặng (ảnh), làm giao thông đường sắt bắc - nam tê liệt. Trước đó, vào đêm 24/11, do ảnh hưởng cơn bão số 9 gây mưa lớn ở thượng nguồn, nước lũ đổ về tràn qua tuyến đường sắt, làm sạt lở khoảng 300 m đường sắt đoạn đi qua địa bàn xã Công Hải; trong đó, có

2 đoạn dài khoảng 40 m bị trôi cả phần móng. Đến rạng sáng 25.11, ngay sau khi nước lũ rút hết, Công ty quản lý đường sắt Thuận Hải đã điều công nhân, xe cơ giới, vật tư đến hiện trường để khắc phục nhưng do trời mưa kéo dài nên việc khắc phục gặp khó khăn, chậm.

Tin, ảnh: Thiện Nhân

Mưa lớn diện rộng ở nam Trung bộ, Nam bộ và Tây nguyên

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết sau khi đổ bộ vào đất liền, cơn bão số 9 đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tại các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu và di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km. Dự báo sau đó, ATNĐ tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên đất liền Campuchia.

Do ảnh hưởng của ATNĐ sau suy yếu thành vùng áp thấp, các tỉnh nam Trung bộ, nam Tây nguyên và miền đông Nam bộ có mưa to đến rất to, kéo dài đến hết ngày 26.11, với lượng mưa phổ biến 70 - 150 mm, có nơi trên 150 mm; riêng khu vực bắc Tây nguyên và miền Tây Nam bộ có mưa to 50 - 70 mm.

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió đông, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to, kéo dài đến hết 27.11, với lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa từ 50 - 80 mm/ngày; các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên có mưa 80 - 150 mm/ngày; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa từ 100 - 200 mm/ngày.

Mưa to diện rộng và kéo dài sẽ khiến trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Tây nguyên xuất hiện một đợt lũ.

Phan Hậu

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết