Chị là Nguyễn Thị Bé, còn gọi là Nguyễn Hoàng Anh. Chỉ 3 năm tuổi quân, nữ thanh niên xung phong (TNXP) đạt nhiều thành tích, được các cấp khen thưởng: Chiến sĩ thi đua cấp Tổng đội; Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ Quyết thắng; Kiện tướng thồ tải thương binh; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Giải phóng cùng nhiều bằng khen. Năm 2010, liệt sĩ Nguyễn Hoàng Anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND.
Đường Nguyễn Hoàng Anh tại Tân Trụ
Kiện tướng thồ tải thương binh
AHLLVTND Nguyễn Thị Bé sinh ra ở ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ. Chị còn có tên thường gọi là Nguyễn Hoàng Anh. Năm 1967, mới 15 tuổi, chị trốn gia đình để tòng quân, gia nhập lực lượng TNXP Đội 198 Thành Đồng, Liên đội 9, Tổng đội Giải phóng miền Nam.
Mới nhập ngũ, đồng chí Hoàng Anh phục vụ chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City với quy mô 45.000 quân, 1.300 xe tăng - bọc thép, 529 máy bay, 306 khẩu pháo các loại,... Quân Mỹ sử dụng B52 thả trên 20.000 tấn bom cày xới để tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng và quân chủ lực của ta ở vùng căn cứ Bắc Tây Ninh.
Trong suốt 53 ngày chiến đấu, nữ TNXP Hoàng Anh thể hiện ý chí, tinh thần vững vàng, gan dạ trong nhiệm vụ. Trận đánh cụm Mỹ ở Đồng Rùm (ngày 21/3/1967), ta diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của quân Mỹ. Tuy nhiên, lực lượng ta bị thương tương đối nhiều, phải chuyển thương liên tục. Đồng chí Hoàng Anh cùng đồng đội cáng thương đi liên tục 4 giờ đồng hồ trong đêm đưa thương binh đến đơn vị quân y dã chiến. Bị pháo của địch bắn vào đội hình đơn vị, đồng chí Hoàng Anh lấy thân mình che chắn không để chiến sĩ bị thương lần 2. Có những trường hợp bộ đội bị thương, do các vết thương ở vị trí không thể mặc quần được, Hoàng Anh cũng không e ngại lấy tấm dù ngụy trang của mình quấn lại rồi cõng đưa ra ngoài trận địa. Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nữ TNXP Hoàng Anh cũng bị thương nhưng không chịu về tuyến sau. Chị kiên quyết xin ở lại cùng đơn vị để điều trị vết thương và tiếp tục chiến đấu.
Với những thành tích đó, chị được bình chọn là Kiện tướng thồ tải thương binh; Chiến sĩ thi đua của Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam; được tặng Huân chương Giải phóng hạng Ba, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được đề bạt Tiểu đội phó, giao nhiệm vụ quyền Tiểu đội trưởng,...
Hy sinh cứu đồng đội
Năm 1970, khi đang tải lương thực, vũ khí, Đội 198 TNXP lọt vào trận địa phục kích của địch ở địa hình trống trải, rừng cây dầu bị rụng lá do Mỹ rải chất độc hóa học. Một trận đánh không cân sức, địch sử dụng hỏa lực rất mạnh (xe tăng, phi pháo) yểm trợ, bao vây áp đảo.
Đội trưởng Trương Chính Thanh chỉ huy, tập trung B40, thủ pháo cho 1 tiểu đội đánh thẳng vào xe tăng Mỹ, thu hút hỏa lực về phía mình, tạo cơ hội cho đơn vị mở đường máu vượt ra khỏi vòng vây. Đơn vị chiến đấu anh dũng, bắn cháy 1 chiếc xe tăng, diệt toàn bộ quân Mỹ trên xe và nhiều tên khác. Bảy đồng chí TNXP hy sinh (có cả Đội trưởng Trương Chính Thanh). Súng AK của đồng chí Hoàng Anh hết đạn. Còn 1 trái lựu đạn xin của bộ đội, đồng chí Hoàng Anh rút chốt lựu đạn nằm chờ quân Mỹ đến và gọi các đồng chí: Tám Chung, Cao Lan và đồng đội hãy rút nhanh theo đơn vị.
Khi xe tăng địch càn tới, 4 tên Mỹ thấy đồng chí Hoàng Anh là nữ nên định bắt sống. Khi chúng đến gần, đồng chí Hoàng Anh bất ngờ cho nổ lựu đạn, 4 tên Mỹ chết ngay tại chỗ. Đồng chí Hoàng Anh đã anh dũng hy sinh. Thành tích và những hành động của liệt sĩ Nguyễn Hoàng Anh là tấm gương của tinh thần yêu nước, xả thân vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Cẩn bên chân dung liệt sĩ Nguyễn Hoàng Anh trong căn nhà tình nghĩa
Giờ đây, về lại ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, hỏi nhà liệt sĩ Hoàng Anh vẫn có nhiều người biết dù chị hy sinh từ khi còn rất trẻ. Căn nhà tình nghĩa khang trang với giàn mướp nở hoa bình yên trước ngõ là nơi thờ cúng liệt sĩ Hoàng Anh. Trong nhà có bàn thờ liệt sĩ Hoàng Anh và mẹ chị. Vừa lau bức chân dung đã hoen mờ của nữ liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Cẩn - mẹ kế của AHLLVTND Nguyễn Hoàng Anh, vừa nói: “Tôi đã đem hình này đi phục chế một lần nhưng mờ quá người ta không nhận. Không biết có cách nào làm lại hay không, chứ bây giờ ở nhà chỉ còn mỗi tấm hình này của Hoàng Anh thôi, không còn tấm nào khác”.
Bà Cẩn kể, liệt sĩ Hoàng Anh là chị lớn trong nhà. Vì chị tham gia cách mạng khá sớm nên bà không có nhiều cơ hội gặp chị. Bà Cẩn nói: “Sau ngày hòa bình, đồng đội Hoàng Anh đi tìm gia đình để báo tin con đã hy sinh. Khi gặp được chúng tôi (bà Cẩn và cha của liệt sĩ Hoàng Anh), anh ấy đã khóc vì xúc động. Nếu không được đồng đội yêu thương thì làm sao các anh ấy lặn lội đường xa đi tìm gia đình được! Gia đình và đồng đội đưa Hoàng Anh về nghĩa trang liệt sĩ. Địa phương rất quan tâm đến gia đình. Căn nhà tình nghĩa này cũng nhờ địa phương vận động kinh phí xây tặng, mỗi dịp lễ, tết đều có đoàn đến thăm, tặng quà. Tôi rất vui và biết ơn vì điều đó!”./.
Biện Cường - Quế Lâm