Ông Nguyễn Văn Nô (ấp Gò Sao, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa) bên vườn kiểng nhà mình
Người dân ấp Gò Sao, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An biết đến ông Nguyễn Văn Nô bởi vừa là người làm giàu từ tay trắng, vừa nuôi dạy con nên người, thành đạt.
Hồi mới lập gia đình năm 1983, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nô phải đi ở đậu. Tổ ấm của ông khi đó chỉ là căn nhà làm bằng tre nền đất lông chông, thiếu trước hụt sau. Nhìn cơ ngơi ngày nay, ông Nô nói: “Làm dữ lắm mới được như vầy!”.
Lúc đó, xã Tân Phú còn trồng đậu phộng nhiều. Vợ chồng ông được dân trong vùng chia lại vài đám ruộng để trồng loại cây này. Dù đất xấu, xa nguồn nước tưới nhưng ông vẫn cố gắng làm, bởi ông biết đây là hy vọng của cả gia đình, có hôm ông chỉ ngủ 2-3 tiếng đồng hồ.
Những năm 1990, nhận thấy nhu cầu cày xới đất của người dân khá nhiều, ông quyết định mua máy để làm thuê. Lúc ấy, máy cày là thứ khá xa xỉ với nông dân. Bản thân ông Nô lại không có tiền, không có đất. Ông đi mượn mỗi người một ít, vậy mà ai cũng cho, bởi họ thấy ông tuy nghèo nhưng chịu khó làm ăn, lại là người trọng chữ tín.
Có máy cày, ông hăng say làm việc. Nhờ chăm chỉ, tiết kiệm mà chỉ thời gian ngắn là ông trả hết nợ, có tiền mua đất cất nhà, thoát kiếp ở đậu. Ông vừa cày thuê, vừa chăn nuôi heo, lúc đỉnh điểm lên đến 50-70 con. Khi ấy, cả xóm chẳng có mấy nóc nhà, nhà này cách nhà kia rất xa, bởi vậy việc chăn nuôi của ông không ảnh hưởng đến ai. Khi dân tập trung đông, ông chủ động bỏ nghề để tránh phiền hà lối xóm, mặc dù chưa ai phàn nàn gì và ông cũng luôn có ý thức giữ vệ sinh chỗ chăn nuôi. Hiện tại, đàn bò của ông hơn 20 con nhưng bước vào nhà ít nghe mùi chuồng trại.
Mỗi ngày, thu nhập từ tiền bán rau đem về cho ông Nguyễn Văn Nô (ấp Gò Sao, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa) 200.000-400.000 đồng
Ông Nô kể, lúc ông đầu tư máy phóng bắp để phục vụ người dân, cứ mỗi ngày thu vào khoảng 10 triệu đồng. Đến khi người dân chuyển sang trồng nếp ông mới nghỉ. Từ chỗ tay trắng, ông mua được hơn 2ha đất (Nhà nước quy hoạch còn khoảng 1,5ha). Trên số đất còn lại, ông trồng nếp, bưởi, ổi cho lợi nhuận tốt. Ngoài ra, ông còn trồng, mua bán cây kiểng; vườn rau cạnh nhà mang lại thu nhập mỗi ngày 200.000-400.000 đồng. Ông được công nhận là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Hỏi bí quyết thành công, ông Nô nói phải chăm chỉ, cần cù, tránh vướng vào những thú vui không lành mạnh. Bản thân ông sống rất chuẩn mực, luôn làm gương cho con cháu. Niềm vui lớn nhất bây giờ của ông là cả 3 người con đều chí thú làm ăn, thành đạt; dâu, rể, các cháu cũng ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu của ấp Gò Sao.
Làm giàu từ tay trắng, ông Nô hiểu và cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, ông hay tham gia vào công tác xã hội, góp tiền làm đường, xây trường, công trình văn hóa xã,...
Lối vào nhà ông trước đây là đường xe bò, ngày nay ôtô 7 chỗ chạy vi vu. Quê ông đang bừng lên sức sống mới và những nông dân giỏi, cần cù như ông Nguyễn Văn Nô góp phần vào sự thay đổi ấy./.
Huỳnh Thông