Tiếng Việt | English

24/10/2021 - 12:12

Nông dân ĐBSCL khổ vì giá phân bón tăng liên tục

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, giá phân bón tăng cao khiến chi phí đầu vào đội lên, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

ĐBSCL là khu vực sản xuất lúa, gạo nhiều nhất nước, chiếm hơn 50% sản lượng gạo của quốc gia, khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 70% lượng trái cây. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, đặc biệt là phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con nông dân.

Với 1,7 ha trồng lúa ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, nông dân Phan Thiện Khanh cho biết, vấn đề hiện nay là giá vật tư đầu vào tăng cao khiến cho người dân cũng dè chừng khi bước vào vụ lúa Đông Xuân, vụ lúa được xem là chính vụ trong năm.

Phân bón là mặt hàng thiết yếu của nông dân ĐBSCL.

Phân bón tăng cao khiến cho nông dân ở vùng sản xuất trọng điểm của cả lo lắng, giá lúa bấp bênh, phân bón thì ngày một tăng. Nông dân Trần Văn Bé Bảy, ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Tình hình giá phân hiện nay ở ngoài thị trường tăng rất nhanh, đặc biệt là phân URE và phân DAP. So với những năm trước phân URE hiện nay từ 600.000 đồng đến hơn 600.000 đồng/bao do đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân. Bà con chúng tôi rất lo lắng."

Trong thời gian vừa qua, vì nhiều lý do, giá phân bón tăng chóng mặt. Điển hình như phân DAP, vào tháng 10 năm ngoái giá chưa tới 10.000 đồng/kg, nhưng đến nay đã tăng lên 25-26.000 đồng/kg. Đặc biệt là phân Ure sau 2 năm liên tiếp gần như chỉ dao động nhẹ, nay cũng tăng rất cao, phân Ure chỉ sau 1 tuần đã tăng thêm bình quân xấp xỉ 100.000 đồng/bao. Đến ngày 20/10, đã lên 860.000 đồng/bao.

Nông dân ĐBSCL mong muốn các bộ ngành và các địa phương phối hợp thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10.2015.TTLT.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ thông tin: "Tình hình phân bón tăng cao khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Mong muốn Bộ công Thương sẽ đàm phán, hoặc lên kế hoạch nhằm ổn định một phần nào về giá phân bón, vật tư nông nghiệp."

Nguyên nhân giá phân bón tăng cao được các nhà sản xuất cho rằng hiện nay giá nông sản thế giới liên tục tăng, kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón trên thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa được kiểm soát chặt ở mức độ cao nhất tại các thị trường trong nước và thế giới đã khiến chi phí vận chuyển tăng; phân bón thiếu khiến nhu cầu tăng cao đã đẩy giá phân bón lên cao nhất từ trước đến nay. 

Theo ông Trương Văn Quang, Phó giám đốc điều hành nhà máy phân bón Cửu Long, Chi nhánh công ty cổ phần phân bón miền nam để giảm giá phân bón xuống chỉ có cách duy nhất là đơn vị sản xuất cố gắng hạ giá thành sản phẩm: "Trong tình trạng này, năng suất là yếu tố cơ bản quyết định. Do đó các công ty sản xuất phân bón cần phải đẩy năng suất lên, để bù lại giá thành. Thứ hai trên phương tiện vận chuyển chúng tôi cũng cố gắng giải quyết nhanh nhất có thể. Ví dụ như xe đi trong ngày là xong, nếu anh để 2 ngày chắc chắn là tăng giá."

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, giá phân bón tăng cao khiến chi phí đầu vào đội lên.

Trong sản xuất lúa, phân bón chiếm tỉ lệ khoảng 23% trong tổng chi phí sản xuất, nếu cây ăn trái tỷ lệ này còn cao hơn. Do đó khi phân bón tăng cao đã đội chi phí đầu vào tăng đáng kể gây khó khăn cho nông dân. Nhằm hạn chế thiệt thòi cho nông dân vào ngày 3/3/2015 Bộ NN&PTNT và Bộ Tài Chính có Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT về hướng dẫn chi tiết các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá. Thông tư liên tịch này quy định chi tiết các mặt hàng cần bình ổn giá. Trong đó mặt hàng thực hiện bình ổn giá là phân đạm urê, phân NPK, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ...

Tuy nhiên việc thực hiện Thông tư này đến nay vẫn chưa hiệu quả. Do đó, rất cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong quản lý điều hành thị trường nhằm kiềm chế giá phân bón đang tăng cao hiện nay. Đây là giải pháp quan trọng để sớm ổn định sản xuất nông nghiệp khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát./.

Chanh Tuy-Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết