“Học thế nào để có lương khởi điểm 2.000 USD?”
Ngày 29/11, tại một buổi tọa đàm về lĩnh vực công nghệ thông tin, Phạm Thị Thanh, hiện là sinh viên năm 3, ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật Mật mãn, đặt câu hỏi: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?".
Nữ sinh Phạm Thị Thanh
Ngay lập tức, câu hỏi của Thanh đã trở thành đề tài nóng trong cộng đồng sinh viên và mạng xã hội. Không ít người chỉ trích Thanh "ảo tưởng" về khả năng, đòi hỏi quá cao so với những gì có thể làm được.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều ý kiến không đồng tình với những lời chỉ trích Thanh, rằng “Đất nước cần những người trẻ biết ước mơ và ý thức về sự rèn luyện để đạt được ước mơ. Một thế hệ bạc nhược đã quá đủ rồi”.
Bản thân Phạm Thị Thanh, nữ sinh đặt câu hỏi, cho biết cô không “ảo tưởng sức mạnh”. Chia sẻ với Zing, Thanh nói “Tôi luôn muốn biết rõ tường tận giá trị của từng môn học, cũng như muốn tối ưu hóa mọi công việc, học tập đạt hiệu quả nhất.
Tôi cần biết giá trị cốt lõi của môn học, chương trình mình học, thay vì cứ học mà không biết sẽ làm gì với kiến thức đó”.
Với Thanh, việc nghiêm túc đặt câu hỏi cho chính mình và người khác giúp cô có định hướng rõ ràng cho con đường bản thân sẽ đi. Cô muốn nghe doanh nghiệp nói ra những điều họ cần ở những người trẻ. Số tiền trong câu hỏi chỉ mang tính tượng trưng, không quan trọng bằng giá trị mà những câu trả lời mang lại.
Học tiến sĩ để làm gì?
Trong loạt bài về đào tạo tiến sĩ, Báo Vietnamnet đã nêu một loạt các vấn đề như “Cần chấm dứt đào tạo tiến sĩ kiểu tại chức”, “Có “danh sư” mới “xuất cao đồ””…
Cần xác định rõ học tiến sĩ để trở thành những người làm nghiên cứu chứ không phải để được ưu tiên bổ nhiệm các chức vụ quản lý
Mấu chốt của việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, theo các chuyên gia giáo dục, là việc các nghiên cứu sinh xác định "Học tiến sĩ để làm gì?".
Theo PGS. TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, "Phải xác định đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhà khoa học có khả năng nghiên cứu, có khả năng đóng góp cho đất nước và có năng lực hội nhập".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thời gian qua có vấn đề về chất lượng là do người học không xác định được mục tiêu của việc học tiến sĩ.
"NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo" - ông Ga phân tích.
TS Lê Tiến Dũng, một người có nhiều thời gian trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu sau ĐH ở nước ngoài cho rằng, mấu chốt của vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ có thể không nằm ở những quy định về "đầu vào" hay "đầu ra" mà ở chỗ chúng ta đang bổ nhiệm dựa vào bằng cấp.
Theo ông Dũng, khi nhu cầu về những bằng tiến sĩ kém chất lượng giảm đi, người học chỉ tìm đến những cơ sở đào tạo có uy tín thì các cơ sở đào tạo cũng tự biết mình phải làm gì.
“Luận án phải thực sự là một công trình nghiên cứu khoa học, có những điểm mới, có công bố quốc tế và được đánh giá kết quả nghiên cứu một cách khách quan” - Đó là khẳng định của Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trước câu hỏi về những giải pháp của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam mà dư luận đặt ra trong thời gian gần đây.
Sắp đổi mới học văn, dạy sử
Trong tuần, Báo Thanh niên có hai bài viết phân tích hiện trạng phần lớn những độc giả trẻ lại khá dửng dưng, không hứng thú với việc học văn trong trường phổ thông.
Ảnh: Hạ Anh
Nguyên nhân quan trọng mà các bài báo này chỉ ra, như phần lớn giáo viên và học sinh cho biết, là do chương trình học và các tác phẩm trong sách giáo khoa quá chán.
"Hầu hết tác phẩm được dạy tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời cách đây từ gần nửa thế kỷ cho đến vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm trước, nhiều tác phẩm không phù hợp tâm lý và xu hướng đọc sách của HS hiện nay".
Theo GS Lê A, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thì “Chúng ta đã quá xem nhẹ việc trang bị cho các học sinh năng lực nói trong hoạt động giao tiếp”.
Bên cạnh đó, hiện chương trình có đưa vào các kiểu văn bản cần thiết cho đời sống như viết bản tổng kết, bản tin, tiểu sử tóm tắt... nhưng những thay đổi đó chưa thật triệt để, đặc biệt trong thi cử và kiểm tra.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ TP.HCM cho biết, GS Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội) đang chủ trì một nhóm tác giả trong dự án nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp học môn lịch sử ở trường phổ thông. Nhóm sẽ xây dựng môn lịch sử theo phân khúc đồng tâm.
TP.HCM tiếp tục “chữa” học thêm
Từ hơn nửa năm nay, vấn đề dạy thêm học thêm trên địa bàn TP.HCM đã thành chủ đề nóng với nhiều quyết sách khác nhau của lãnh đạo thành phố.
TP.HCM áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh dạy thêm học thêm. (Ảnh Đinh Quang Tuấn)
Theo số liệu công bố mới nhất của UBND TP.HCM, hiện có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) của thành phố học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa.
Khoảng 190.000 học sinh THCS, THPT đang học thêm trong trường và 30.000 học sinh học thêm ngoài nhà trường. Chủ yếu các em học các môn Toán, Lý, Hóa (chiếm 35%)
Ngoài ra, khoảng 50% học sinh toàn thành phố tham gia các hoạt động văn nghệ, các hoạt động thẩm mỹ, các hoạt động TDTT, kỹ năng sống, phương pháp phát triển tư duy. Gần 50.000 học sinh học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, khoảng 10.000 học sinh học ngoại ngữ khác tại các Trung tâm Ngoại ngữ sau giờ học chính khóa.
Thành phố ngăn chặn dạy thêm bằng cách thực hiện dạy 2 buổi/ ngày. Hiện có 485 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, 270 trường THCS và 87 trường THPT (công lập) tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.
UBND thành phố cũng cho biết, để hạn chế dạy thêm đã triển khai một số chế độ, chính sách đặc biệt dành cho cán bộ - giáo viên…
Ngân Anh/Vietnamnet (tổng hợp)