Tiếng Việt | English

14/11/2018 - 13:12

Nồng ấm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam 18/11 hàng năm, các khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh Long An đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đây là ngày vui họp mặt, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, mở rộng vòng tay đoàn kết.

Rộn ràng ngày hội

Từ sáng sớm, ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc rực rỡ cờ, hoa, rộn ràng tiếng nói cười. Trên các nẻo đường dẫn vào điểm tổ chức ngày hội, panô, áp phích, băng rôn và khẩu hiệu được dựng lên đẹp mắt,... Có rất đông người dân về họp mặt, chung vui. Sự hồ hởi thể hiện qua từng gương mặt rạng rỡ. Ngày hội tại ấp Phú Ân vinh dự chào đón Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh và một số đồng chí lãnh đạo khác, làm cho không khí ngày hội thêm long trọng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh tặng quà cho người dân nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Mở đầu ngày hội là những tiết mục văn nghệ, hát về Long An, về quê hương miền hạ. Phấn khởi trước sự đồng lòng của người dân, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Bí thư Chi bộ ấp Phú Ân - Nguyễn Quang Mật nói: “Nổi bật trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại ấp chính là sự chung tay của người dân thực hiện các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân đồng thuận góp tiền, hiến đất làm đường và cùng nhau đăng ký giữ vững danh hiệu ấp văn hóa, gia đình văn hóa, giúp nhau làm kinh tế, sống có ích cho xã hội,... Nhờ đó, đến nay, ấp Phú Ân và xã Phước Lý không còn đối tượng để xét hỗ trợ nhà tình thương hay nhà đại đoàn kết”.

Không chỉ tại ấp Phú Ân mà các KDC khác trong tỉnh, không khí tổ chức ngày hội cũng rất sôi nổi. Các cán bộ Mặt trận cùng người dân ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam suốt 88 năm hình thành và phát triển; tóm tắt kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,... Báo cáo tại các buổi lễ cho thấy, người dân trên toàn tỉnh đều vui mừng và tự hào trước những kết quả phát triển KT-XH, đổi thay của quê hương, KDC, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hòa trong niềm vui chung, ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, ngày hội cũng diễn ra tưng bừng. Trưởng ấp Cầu Ngang - Hồ Văn Trúng thông tin: “Ngày hội là dịp để mọi người trong KDC cùng nhau phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, cùng xây dựng KDC ngày thêm văn minh, giàu đẹp”.

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường đến thăm, trao quà cho hộ dân xã Long Hựu Đông nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Dù là vùng đất cù lao vùng hạ nhưng hiện nay, cuộc sống người dân trong ấp ổn định, kinh tế phát triển với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Ban Vận động KDC ấp Cầu Ngang tăng cường vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, bêtông hóa 6 đường liên ấp với kinh phí trên 2,9 tỉ đồng; đóng góp xây dựng cổng văn hóa, 3 cây cầu với kinh phí gần 1 tỉ đồng. Trong năm, ấp vận động, xây dựng được 5 nhà đại đoàn kết; đến nay, trên 95% hộ dân có nhà kiên cố. Hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo chỉ còn 0,7%. Ấp có 98% hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Với ý nghĩa phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, ngày hội luôn có những phần quà, những suất học bổng, những căn nhà đại đoàn kết,... mang thông điệp chia sẻ, yêu thương của những tấm lòng thơm thảo dành tặng người nghèo, gia đình chính sách, học sinh vượt khó học giỏi,...

Thắt chặt tình làng, nghĩa xóm

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra với nhiều hoạt động chào mừng. Đằng sau những tiết mục văn nghệ, những công trình giao thông nông thôn được xây dựng, những chỉ tiêu bình xét gia đình văn hóa là tình làng, nghĩa xóm được duy trì bền chặt qua từng phong trào. Mọi người cùng nhau đề ra những quy định, hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa, cùng bắt tay nhau thực hiện một số công trình, phần việc và cùng “xích lại” gần nhau hơn.

Chị Nguyễn Thị Phượng - người dân ấp Phú Ân, xã Phước Lý, chia sẻ: “Chúng tôi nhớ mãi câu tục ngữ “Bà con xa không bằng láng giềng gần” nên người dân trong ấp chung sống đoàn kết, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa qua, chúng tôi rủ nhau đến thật sớm, cùng một số chị em khác lo công tác hậu cần, phục vụ ngày hội chu đáo. Ngoài ra, chúng tôi hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng tổ phụ nữ phục vụ đám giỗ; cùng nhau bón phân, tưới nước, chăm sóc tuyến đường hoa của ấp, thực hiện mô hình thùng phuy đốt rác để giữ gìn cảnh quan môi trường”.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn tặng quà người dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc

Đó cũng là suy nghĩ của ông Nguyễn Văn Ép, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An. Hưởng ứng cuộc vận động do Ban Công tác Mặt trận ấp phát động, ông cùng các hộ dân đồng lòng hiến đất, góp tiền để mở rộng, bêtông hóa đường giao thông nông thôn. Đây cũng là công trình kỷ niệm 10 năm thành lập TP.Tân An.

Nỗ lực, đoàn kết thực hiện các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động cũng là cơ sở để bình xét, vinh danh các gia đình văn hóa tiêu biểu. Các KDC đều tiến hành nghiêm túc, trang trọng, bảo đảm ý nghĩa của các danh hiệu do chính người dân bình chọn. Tại các buổi lễ, khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” tiếp tục được nêu trong lời phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Và một điều không thể thiếu là sau phần lễ trang trọng và ấm cúng, bao giờ cũng là bữa cơm đoàn kết với tất cả người dân tham dự. Những lời thăm hỏi, chúc mừng nhau, những khoanh bánh tét, dưa kiệu,... làm cho ngày hội “vui như tết”. Ông Nguyễn Văn Lũy - người dân ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, cho rằng, hàng ngày, ai cũng lo cho cuộc sống, ít có dịp gặp mặt nhiều hàng xóm. Ngày hội giúp ông và mọi người hiểu nhau hơn, thắt chặt tình đoàn kết xóm làng.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các KDC trên địa bàn tỉnh. Ông cho rằng, đây là truyền thống quý báu, tốt đẹp cần tiếp tục phát huy và duy trì trong những năm tiếp theo.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đọng lại nhiều cảm xúc. Không chỉ thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, lòng dân, ý Đảng mà còn là dịp những người con xa quê hướng về nguồn cội, góp sức xây dựng quê hương. Với tất cả ý nghĩa đó, hy vọng rằng, ngày hội sẽ tiếp thêm sức mạnh, chung sức, đồng lòng thực hiện thành công nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020./.

"Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 ấp, khu phố. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân. Cuộc vận động lan tỏa sang các phong trào thi đua trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau,... Năm nay, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tặng 85 bằng khen và 150 phần quà nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Văn Hiền

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết