Tiếng Việt | English

15/08/2019 - 09:33

Nơi tình yêu bất tử

Ba năm về trước, cứ mỗi lần lễ Vu Lan, tôi đều thu xếp mọi việc về thăm ba mẹ. Sau khi ba qua đời, số lần tôi về thưa hẳn, bởi tôi sợ nhìn vào di ảnh, sợ xem lại kỷ vật của ba rồi lưng tròng nước mắt. Hôm trước tôi về quê, anh Năm bảo: “Lần nào thắp hương cho ba mắt mẹ cũng đỏ hoe và nhắc đến em”.

Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn

Mẹ tôi sống nội tâm, thường giấu tình cảm trong lòng, ít nói lời ngọt ngào với chồng, con, nhưng khéo vun vén hạnh phúc gia đình, chăm việc nội trợ và giỏi làm kinh tế.

Năm 17 tuổi, mẹ tôi lấy chồng, đó là bạn chiến đấu của cậu tôi với nụ cười rất duyên, tính nết hiền lành dễ mến. Mẹ kể, ngày về với ba, mẹ ý thức sẽ đồng cam cộng khổ cả cuộc đời với anh chiến sĩ nghèo nhưng kiên trung một lòng theo cách mạng. 

Sau ngày nội tôi mất, cô bác lần lượt lập gia đình, ba mẹ tôi ở trong căn nhà của nội, trống hoác chẳng có đồ đạc gì. Khổ nhất là đến cái xoong nấu cơm cũng mượn hàng xóm. Có hôm, nhà có khách, hàng xóm qua đòi xoong, mẹ vội rửa sạch trả trước khi dùng bữa. Nghèo khó là vậy, nhưng mẹ không oán than, bởi mẹ cho rằng, trong chiến tranh, chuyện giặt đốt nhà, xóm làng xác xơ là điều khó tránh khỏi, chỉ cần “còn người là còn của”.

Trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt, cha tham gia hoạt động cách mạng thường xuyên vắng nhà, mẹ ở lại bươn chải ngược xuôi để nuôi các con khôn lớn. Vất vả như thế chưa đủ, 4 anh trai lớn cũng lần lượt được mẹ động viên tham gia vào quân đội, người ở Việt Nam bảo vệ quê hương, người làm quân tình nguyện qua giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pol Pot. 

Thời chiến, mẹ dành cả tuổi xuân để chờ chồng, nuôi dạy con. Hòa bình lập lại, mẹ dành cả phần đời còn lại để xoa dịu những vết thương chiến tranh.

Theo thói quen, ngày nào mẹ cũng dậy lúc 4 giờ. Mẹ nấu nước pha trà, quét sân, dọn nhà, giặt giũ, nấu ăn,… xong hết đánh thức anh em tôi cùng dùng bữa cơm gia đình. 

Ba tôi, thương binh 4/4, bị bệnh loét dạ dày nặng, kiêng ăn đủ thứ, mẹ lúc nào cũng chuẩn bị những món ngon hợp khẩu vị và sức khỏe của ba. Có những đêm, ba rên rỉ đau vì mảnh đạn còn ở sống lưng, mẹ cũng trắng đêm thổn thức. May thay, một bác sĩ trẻ, con bạn chiến đấu của ba, thực hiện ca mổ gắp mảnh đạn thành công, mẹ vui khôn tả. 

Chưa được bao lâu, anh Năm ra đời, đang tuổi ăn tuổi lớn bị sốt liệt nửa người. Mẹ chạy khắp nơi tìm phương thuốc cứu chữa. Cuối cùng, mẹ bất lực nhìn tay trái của anh bất động, còn bác sĩ thì lắc đầu: “Con cô bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi đã cố gắng hết sức em mới được khỏe mạnh, trí não phát triển bình thường, nhưng cánh tay kia vĩnh viễn không thể cử động”. 

Từ đó, mẹ bảo anh em chúng tôi có bao nhiêu tình thương hãy dành bù đắp cho anh Năm, người gánh hậu quả chiến tranh trên một phần thân thể. Những anh chị khác có quyền tự chọn nghề, riêng anh Năm, mẹ bắt phải học: “Học để tự giúp mình. Học để khẳng định, nếu con luôn cố gắng, khiếm khuyết về thân thể không bao giờ là lý do bị xã hội chối bỏ”. 

Ngày anh Năm tốt nghiệp đại học, rồi trở thành cán bộ của cơ quan Nhà nước, được đứng vào hàng ngũ của Đảng, mẹ tôi nước mắt chảy thành dòng.

Nghề nào cũng có một ngày kỷ niệm, còn mẹ tôi không được đào tạo qua nghề nào, nhưng mẹ đã làm rất tốt “nghề làm vợ, nghề làm mẹ”. Người vợ luôn thủy chung son sắt với chồng, người mẹ nuôi dạy hơn chục đứa con nên người. Dù công tác xa nhà (hơn 80km) nhưng tôi luôn canh cánh trong lòng, bởi không chỉ vào lễ Vu Lan, mà bất kể ngày nào tôi cũng nhớ, cũng muốn về bên mẹ. Mẹ và gia đình là tình yêu bất tử của tôi./.

Xuân Hồng

 

Chia sẻ bài viết