Tiếng Việt | English

17/09/2017 - 10:25

Nơi tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

Chiến tranh lùi dần về quá khứ và Long An đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Thế nhưng, những trang sử hào hùng của dân tộc, những tư liệu, hình ảnh của cuộc chiến năm xưa vẫn được lưu lại, gìn giữ và bảo tồn đến ngày nay. Và, những hình ảnh, tư liệu đó được tái hiện rất sinh động tại Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn

Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân dánh giặc” tọa lạc tại khu phố Thanh Xuân, phường 5, TP.Tân An. Tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Long An.

Hàng tháng, Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thu hút hơn 2.500 lượt khách tham quan

Công viên gồm 2 phần chính: Tượng đài và công viên, trong đó bao gồm các hạng mục: Tượng người mẹ và chiến sĩ, quần thể tượng trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc cùng với 8 trụ rồng, 2 tranh phối hợp hồ phun nước nghệ thuật và nhà trưng bày sự kiện. Các bức tượng ở đây đều thể hiện hào khí cha anh về một thời đã qua, đồng thời nhắn nhủ với thế hệ hôm nay và mai sau rằng: Sống trong hòa bình, đừng quên những tháng năm gian khổ mà oanh liệt của những người đi trước. Ngoài ra, bệ rồng phía dưới là biểu tượng con thuyền cách mạng với khí tiết “trung dũng kiên cường” mà Đảng là người cầm lái, đưa nhân dân và chiến sĩ Long An đến bến bờ chiến thắng. Khắc sâu vào bệ đá là biểu tượng tinh thần đoàn kết với hình tượng quân và dân, đại diện cho bốn chữ vàng “toàn dân đánh giặc”.

Ngoài ra, không gian trưng bày chuyên đề Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc được xem là điểm nhấn lý tưởng, hấp dẫn và sinh động nhất trong công viên tượng đài. Không gian trưng bày này là một tổ hợp gồm 8 hộp hình, bảng giới thiệu nội dung, hình ảnh. Qua đó, tái hiện cuộc kháng chiến trên mảnh đất Long An, gồm: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; 3 lần đánh đồn Đức Lập (chọn trận Đức Lập 2, ngày 27/10/1965 là trận tiêu biểu); Làng xã chiến đấu ở Long An; Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm Quân y tại căn cứ Đám lá tối trời (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ); Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 - trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang.

Đến với công viên tượng đài, chúng ta như được trở về quá khứ, hiểu sâu sắc, cô đọng về những trận chiến năm xưa, từ đó càng khắc sâu công ơn, sự hy sinh của ông cha ta ngày trước. Chị Lê Thị Như Ngọc - thuyết minh viên tại công viên tượng đài, cho biết: “Hàng tháng, bình quân có trên 2.500 lượt khách tham quan khu tượng đài. Riêng các dịp lễ lên đến trên 1.000 lượt khách tham quan. Trong thuyết minh, tôi luôn cố gắng tuyên truyền để khách hiểu hơn về lịch sử tám chữ vàng trên quê hương Long An”.

Mãi xứng đáng với tám chữ vàng

Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được xây dựng nhằm thể hiện lòng tri ân của các thế hệ hôm nay với những người nằm xuống. Đồng thời, đây cũng là nơi tái hiện những nét son oai hùng trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của dân và quân Long An, dệt nên tám chữ vàng đầy tự hào của quê hương. Em Hoàng Thị Dư (ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Em rất tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng - nơi có nhiều khu di tích lịch sử gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Khi đến tham quan công viên tượng đài, em thật sự xúc động trước sự gan dạ, mưu trí của ông cha ta ngày trước và xin hứa tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha ông trong thời đại mới”.


Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là một trong những địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động Về nguồn

Là người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Văn Kiếm cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về lịch sử đấu tranh của ông cha ta ngày trước. Và càng tự hào hơn khi các thế hệ hôm nay luôn gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng trong thời đại mới. Chúng tôi - những người đại diện cho thế hệ cha anh, rất an tâm và tin tưởng thế hệ hôm nay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trở thành công trình văn hóa tiêu biểu của Long An, là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, góp phần nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau phải sống và làm việc bằng cả trái tim để xứng đáng với những người nằm xuống, mãi sáng ngời truyền thống tám chữ vàng mà Long An được phong tặng./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết