Tiếng Việt | English

06/09/2018 - 11:07

Nỗi niềm của những người mưu sinh xa quê

TP.Tân An, tỉnh Long An, mảnh đất nhiều người xa xứ chọn làm nơi lập nghiệp, mưu sinh và từ bao giờ trở thành quê hương thứ 2 của họ.

Không ai có thể chọn cho mình nơi sinh ra cũng như chọn cho mình được cuộc đời như ý, cuộc sống là thế. Nhưng hình ảnh của những người dân nhập cư tất bật mưu sinh vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn ở từng góc phố, con đường mỗi khi chúng ta vô tình bắt gặp lại càng khiến cho phố thị vốn ồn ã bỗng trở nên bình dị, thân thương.

Bà Nguyễn Thị Hoa, quê Đồng Tháp, chọn trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (phường 3, TP.Tân An) làm chỗ bán tàu hủ, chè, bánh tráng và vài món ăn vặt để mưu sinh. Bà Hoa cho biết: “Mỗi ngày, tôi bán ở đây từ sáng đến chiều nhưng thu nhập chỉ khoảng 80.000-100.000 đồng. Trong khi đó, tôi phải trả tiền thuê nhà trọ hết 600.000 đồng/tháng. Vì cuộc sống gia đình khó khăn nên tôi phải cố gắng buôn bán để gửi tiền về quê lo cho 2 đứa con ăn học”.

Những người dân nhập cư thường chọn mưu sinh bằng những xe đẩy, gánh hàng rong

Còn ông Lê Văn Bé, bán đồ chơi trẻ em ở Công viên TP.Tân An, chia sẻ: “Quê tôi ở Quảng Bình, vào đây hơn 12 năm. Ban đầu, tôi theo một người bạn đi làm phụ hồ, nhưng vất vả quá trong khi sức khỏe tôi không tốt nên nghỉ. Sau đó, nhờ mấy người bạn cho mượn một ít tiền, cộng với số tiền dành dụm được, tôi mua đồ chơi trẻ em để bán cho các cháu và chọn góc công viên này làm chốn mưu sinh cho đến nay. Ở quê nghèo quá nên tôi phải chọn thành phố này mưu sinh để nuôi cha mẹ ở quê và vợ con. Mấy năm rồi, tôi chưa có điều kiện về quê đón tết cùng gia đình”.

Những người nhập cư đang mưu sinh ở TP.Tân An, nam nữ, già trẻ đều có. Tùy theo khả năng và sức khỏe mà họ chọn một nghề thích hợp. Có người chở hàng trên xe đạp đi đến các con hẻm, có người gánh hàng bằng đôi quang gánh dạo các công viên và khu vui chơi,... Vất vả là thế, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, hầu như không ai than vãn về công việc của mình. Mưu sinh nơi đất khách, họ chẳng quản ngại khó nhọc, nắng mưa, trưa chiều, mong sao có được chút ít tiền gửi về gia đình trang trải cuộc sống.

Theo tính toán của những người bán hàng rong mà chúng tôi có dịp trò chuyện, trung bình 1 ngày, mỗi người đi bán từ sáng đến tối lời được khoảng 150.000-200.000 đồng; tiền thuê nhà, tiền ăn nếu khéo léo chi tiêu thì mất khoảng 50.000 đồng, còn dành dụm được hơn 100.000 đồng. Đây là số tiền “khá lớn” so với ở những vùng quê nghèo khó. Một phép tính đơn giản đến xót xa lòng!

Mỗi người một nỗi niềm, một hoàn cảnh riêng nhưng họ vẫn ngày ngày lầm lũi lao động giữa thành phố nhộn nhịp, sôi động này, ai cũng mong có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì gia đình, những người thân yêu mà họ luôn cần mẫn, cố gắng. Dù tất bật mưu sinh để trang trải cuộc sống thường ngày nhưng vẫn có những người luôn nở nụ cười lạc quan ngay cả khi đang làm việc nặng nhọc./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết