Các nội dung giảm nghèo về thông tin được tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp
Cung cấp kiến thức, kỹ năng
Thực hiện giảm nghèo về thông tin là một trong những công tác quan trọng tại các địa phương nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại các xã, thị trấn và cán bộ làm công tác tuyên truyền tại các ấp, khu phố. Từ đó, người dân được tuyên truyền, phổ biến về những thông tin thiết yếu, thiết thực, giúp có thêm nghị lực và thay đổi hành vi về công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là các nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo).
Nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin, xã Mỹ Lạc xác định nội dung tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể. Xã triển khai đến cán bộ, đảng viên và bí thư chi bộ các ấp, trưởng ấp về nội dung tuyên truyền. Đó là những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện, đặc biệt là Kế hoạch số 869/KH-UBND, ngày 23/02/2023 của UBND huyện Thủ Thừa về việc tổ chức triển khai, thực hiện Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin năm 2023 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Khi cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp,... nắm rõ tinh thần và nội dung giảm nghèo về thông tin, việc triển khai, tuyên truyền sâu, rộng đến người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo càng hiệu quả.
Bí thư Chi bộ ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa - Trần Ngọc Chuyền cho biết: “Những nội dung tuyên truyền giảm nghèo về thông tin được lồng ghép trong các cuộc họp của ấp. Nhờ vậy, đảng viên, hội viên trên địa bàn ấp có thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền đến người dân. Hàng năm, Chi bộ ấp đưa ra chỉ tiêu giúp các hộ nghèo thoát nghèo. Từ đó, ấp tập trung hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo qua nhiều hình thức, trong đó, chú trọng công tác giảm nghèo về thông tin như kịp thời phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình; gương điển hình thoát nghèo; các thông tin cần thiết liên quan đến công tác giảm nghèo về thông tin, nhất là các chính sách giảm ghèo, an sinh xã hội, việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo”.
Nhờ sự vào cuộc của các ấp, người dân xã Mỹ Lạc kịp thời tiếp nhận thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Hoạt động này góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo, từ đó, hướng dẫn người nghèo kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đây cũng là trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống
Bà Lê Thị Kiêm Lang (bìa phải, ấp Bình Lương 1, xã Bình Thạnh) nắm các nội dung giảm nghèo về thông tin, từ đó nỗ lực vươn lên trong cuộc sống
Được thông tin, tuyên truyền kịp thời các kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình, gương điển hình thoát nghèo, các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội,... nhiều hộ nghèo nỗ lực vươn lên. 58 tuổi, sống một mình, bà Lê Thị Kiêm Lang (ấp Bình Lương 1, xã Bình Thạnh) mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả và là hộ nghèo của xã, bà Lang luôn ước mơ thoát nghèo. Bằng nghị lực của mình, bà nỗ lực làm việc, tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Bà Lang chia sẻ: “Trước đó, tôi làm công nhân nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi thất nghiệp. Hơn nữa, tôi còn chăm sóc mẹ già nên khó tìm được công việc phù hợp. Cuộc sống gia đình vì vậy càng khó khăn hơn. Sau khi mẹ tôi mất vào tháng 5/2023, tôi đi làm, không ngại cực khổ để cải thiện cuộc sống và thoát nghèo”.
Hàng ngày, bà Lang bán 200 tờ vé số. Có những hôm, đến trưa mà chưa bán được nhiều, bà phải đi xa để bán hoặc cất xe máy, đi bộ đến các địa điểm quen thuộc để mời khách mua vé số. Những ngày nắng gắt hoặc mưa to, việc bán vé số thêm nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ bà nản lòng, bởi nghị lực vươn lên đủ lớn để vượt qua tất cả.
“Xã tôi xây dựng nông thôn mới nâng cao, hàng xóm, láng giềng ai cũng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Là hộ nghèo, tôi càng ý thức vươn lên để cải thiện cuộc sống và giảm gánh nặng cho địa phương cũng như chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - bà Lang tâm sự.
Chị Phùng Thị Hạnh (bên trái, ấp Vườn Cò, xã Mỹ Lạc) được tuyên truyền nội dung giảm nghèo về thông tin
Chị Phùng Thị Hạnh (ấp Vườn Cò, xã Mỹ Lạc) cũng là trường hợp tiêu biểu vươn lên thoát nghèo. Bị khuyết tật, một mình chị Hạnh nuôi con gái học lớp 9. Công việc chính của chị là dọn dẹp nhà cho các gia đình trong xã để có thu nhập, chăm lo gia đình. Mỗi ngày, chị thức dậy rất sớm để bắt đầu công việc từ 6 đến 11 giờ.
Chị Hạnh kể: “Có những hôm, không có gia đình nào kêu làm, tôi ở nhà móc khăn, nón, đồ chơi bằng len,... để bán, kiếm thêm thu nhập. Nhờ nỗ lực làm việc, gia đình tôi thoát hộ nghèo trong năm nay, hiện là hộ cận nghèo. Tôi tiếp tục cố gắng vươn lên, đặc biệt là lo cho con ăn học đến nơi, đến chốn”.
Nhờ nỗ lực tuyên truyền giảm nghèo về thông tin, người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội./.
An Nhiên