Tiếng Việt | English

06/03/2019 - 11:25

Nỗ lực ôn tập cho học sinh lớp 12

Từ đầu năm học, các trường có học sinh (HS) lớp 12 chủ động công tác ôn tập cho HS. Tùy thuộc vào mặt mạnh và hạn chế của HS, trường xây dựng kế hoạch và nội dung ôn tập phù hợp nhằm giúp các em tự tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Học sinh tập trung học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước

Tại các trường học, công tác ôn tập cho HS lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia cơ bản giống năm học trước. Tuy nhiên, các trường cũng có những thay đổi nhỏ nhằm giúp công tác ôn tập đạt hiệu quả cao hơn. Những thay đổi ấy chính là kinh nghiệm được rút ra sau các kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là kỳ thi năm 2018.

Tại Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trường tiến hành họp phân tích kết quả, phổ điểm từ 0-10 từng môn thi, so sánh giữa các trường,... Theo đó, trường xem lại phương án, nội dung ôn tập, phương pháp dạy và học của HS trường mình,... để tìm ra điểm còn thiếu sót và rút kinh nghiệm. Đồng thời, trường tổng hợp những mặt mạnh, hạn chế của giáo viên (GV), HS trong quá trình ôn tập và thi. Những bài học rút ra được bổ sung vào phương án, nội dung ôn tập cho HS lớp 12 năm học này.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thừa - Thềm Văn Bạc cho biết: "Nhà trường phân tích rất kỹ kết quả thi THPT quốc gia năm rồi, đặc biệt là tìm hiểu nguyên nhân của những HS bị điểm thấp, môn HS có nhiều điểm thấp. Từ đó, trường có sự điều chỉnh trong phương pháp, nội dung ôn tập phù hợp. Ngoài ra, trường còn tăng cường động viên tinh thần, giúp HS phát huy khả năng tự học, tự ôn tập".

Cũng chủ động trong công tác ôn tập, từ hè năm học trước, Trường THCS&THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) tiến hành cho HS chọn ban khoa học tự nhiên hoặc ban khoa học xã hội. Bên cạnh đó, trường tư vấn phụ huynh và HS dựa trên năng lực, sở thích để chọn ban, giúp các em có sự lựa chọn phù hợp. Vậy là, đầu năm học mới, trường sắp xếp lớp theo đúng nguyện vọng của HS để thuận lợi trong công tác ôn tập. Theo đó, tiếp tục chia nhóm nhỏ ôn tập nhằm thuận lợi theo dõi quá trình học tập của từng HS.

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Mỹ Bình - Lê Văn Lai chia sẻ: "Nhờ chú trọng rút kinh nghiệm, qua từng năm học, công tác ôn tập cho HS lớp 12 càng chu đáo hơn. Trước năm học mới, trường hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để sau khai giảng là bắt tay vào ôn tập cho HS ngay. Trường chia công tác ôn tập làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, 2 là ôn tập và củng cố, nâng cao kiến thức lớp 12 cho HS; giai đoạn 3 sau khi HS kiểm tra cuối học kỳ 2 sẽ tiến hành ôn theo chuyên đề, tổng hợp kiến thức, củng cố kiến thức lớp 10, 11, cung cấp những kiến thức cần thiết giúp HS hoàn thiện những câu hỏi cuối của bài thi".

Chống liệt, điểm thấp

Chống liệt, điểm thấp là một trong những phương án không thể thiếu  trong quá trình ôn tập cho HS lớp 12. Theo đó, mỗi trường chọn phương pháp thực hiện riêng nhằm phù hợp với điều kiện của trường.

Phụ đạo đặc biệt cho nhóm HS yếu là phương pháp Trường THPT Thủ Thừa chọn thực hiện. Theo đó, giai đoạn ôn tập này, trường chọn những HS yếu 2 môn Toán, Tiếng Anh và tiến hành phụ đạo đặc biệt 2 tiết/môn/tuần. Học phụ đạo đặc biệt, HS được ôn lại kiến thức bị mất căn bản, những kiến thức quan trọng và hướng dẫn cách làm bài tập, phương pháp học tập đúng. Theo đó, mỗi nhóm phụ đạo đặc biệt không quá 15 HS, nhằm bảo đảm GV có thể theo sát từng em.

Ngoài ra, các môn học khác, GV cũng chủ động trong việc tự phụ đạo những HS yếu. Cô Đặng Thị Kim Thanh - GV môn Ngữ văn, Trường THPT Thủ Thừa, tâm sự: "Phụ trách lớp đồng nghĩa mình phải có trách nhiệm với các em. Ngoài cung cấp kiến thức, GV còn phải động viên và hỗ trợ, giúp đỡ những HS gặp khó khăn trong môn học. Do đó, tôi rất quan tâm đến những HS học yếu môn Ngữ văn. Tôi cố gắng khơi gợi các em niềm say mê học tập môn Ngữ văn bằng cách thường xuyên tạo cơ hội cho các em trả lời những câu hỏi dễ; đồng thời, hướng dẫn cách học phù hợp, dễ hiểu. Nếu HS vẫn còn khó khăn, cô - trò dành thêm thời gian ngoài giờ học để hỏi và đáp những thắc mắc".

Mục tiêu cuối cùng của các trường là giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới

Còn tại Trường THCS&THPT Mỹ Bình, ngoài phụ đạo HS, trường chọn giải pháp mỗi GV là đảng viên phụ trách đỡ đầu 1-3 HS yếu. Theo đó, GV nhận đỡ đầu không là GV chủ nhiệm nhưng phải là người có dạy lớp của HS được nhận kèm để hiểu rõ năng lực, tính cách và có nhiều thời gian gặp gỡ, trao đổi với các em. Thực hiện đỡ đầu, GV tìm hiểu kỹ lại HS, nguyên nhân học yếu, từ đó chọn phương pháp giúp đỡ như dò bài, hướng dẫn phương pháp học, động viên tinh thần,... Nhờ vậy, HS có sự tiến bộ trong học tập.

Thầy Phan Văn Qui - GV môn Vật lý, Trường THCS&THPT Mỹ Bình, nói: "Trong quá trình dạy, tôi đặc biệt quan tâm HS yếu; chủ động liên hệ với GV chủ nhiệm, GV đỡ đầu để tham gia hỗ trợ các em. Nhờ sự quan tâm từ nhiều phía, HS cải thiện rõ về ý thức học tập".

Dù chọn phương pháp ôn tập như thế nào, mục tiêu cuối cùng của các trường là giúp HS đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất điểm liệt, điểm thấp cho các em./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết