Tiếng Việt | English

11/12/2023 - 10:39

Nhượng quyền hướng khởi nghiệp: Nên hay Không nên?

Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, nhất là đối với người trẻ. Khi bước vào khởi nghiệp, hầu như các bạn trẻ đều loay hoay chưa xác định được hướng đi, chiến lược kinh doanh, phân khúc khách hàng,... Thời gian qua, nhiều bạn trẻ tìm đến kinh doanh nhượng quyền (KDNQ), tận dụng lợi thế đã có từ nhãn hàng để phát triển thị phần. Tuy nhiên, KDNQ có thật sự sẽ thành công?

Kinh doanh nhượng quyền giúp các bạn trẻ bước vào khởi nghiệp dễ dàng thiết lập mô hình kinh doanh nhanh chóng và tiết kiệm vốn đầu tư, có cơ hội sử dụng thương hiệu, hệ thống và quy trình đã được kiểm chứng, giúp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh; nhận được sự hỗ trợ về quản lý, marketing và đào tạo từ người nhượng quyền, giúp nâng cao khả năng hoạt động hiệu quả; vẫn giữ quyền sở hữu và quyết định về hoạt động doanh nghiệp của mình.

Nhượng quyền kinh doanh cà phê thu hút giới trẻ khởi nghiệp

Theo anh Đinh Hoài Tâm (SN 1988, ngụ TP.Tân An, tỉnh Long An), người đã và đang phát triển 3 mô hình kinh doanh (Trung Nguyên E-Coffee, Bánh mì chả cá Má Hải, Gà rán CP FIVE STAR) theo hình thức nhượng quyền, cho biết, ưu điểm của loại hình KDNQ là không cần tốn thời gian, công sức để xây dựng thương hiệu và được sử dụng tên gọi của thương hiệu lớn, thừa hưởng uy tín, nhận diện thương hiệu rộng lớn, quảng cáo có tính hệ thống của thương hiệu đó. Sản phẩm chất lượng và hệ thống hoạt động đều được chuẩn hóa. Bên cho nhượng quyền thường xuyên quảng cáo, nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm mới để cạnh tranh với các đối thủ khác. Khi nhượng quyền, người kinh doanh được đào tạo bài bản, cách làm việc chuyên nghiệp cũng như nhận được sự hỗ trợ từ bên nhượng quyền; nguồn nguyên liệu ổn định và giá hợp lý.

“Đối với việc nhượng quyền quán cà phê quy mô nhỏ và vừa thì chi phí trọn gói bao gồm công thức, sản phẩm, thương hiệu là 260 triệu đồng, chưa tính mặt bằng. Là một người KDNQ, tôi nhận thấy mô hình này có nhiều sự lựa chọn, có cơ hội tiếp cận nhiều mô hình mới và có tệp khách hàng ổn định mà không cần mất nhiều thời gian để tiếp cận,...” - anh Tâm nói.

“Lúc đầu khi chuẩn bị mở quán, tôi cũng có tìm hiểu về KDNQ thì nhận thấy nhược điểm là bên cho nhượng quyền có thể vi phạm khoảng cách của các cửa hàng được nhượng quyền, tự ý điều chỉnh giá bán sản phẩm, giá nguyên liệu đầu vào bất hợp lý,... gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của bên nhượng quyền, khó phát huy được khả năng sáng tạo do kinh doanh một cách khuôn khổ theo các quy định trong hợp đồng nhượng quyền, có thể bị áp đặt các hệ thống kỹ thuật hay quản lý không phù hợp, khoản đầu tư ban đầu có thể mang giá trị lớn,...” - chị Trần Thị Hạnh Dung (chủ quán cà phê ở TP.Tân An) chia sẻ về lý do chị không chọn KDNQ mà tìm hiểu và tự mở quán vì những nhược điểm của mô hình này.

Nhiều người chọn tự kinh doanh để không bị ràng buộc thương hiệu, nguyên liệu,...

Bên cạnh đó, một số người trẻ vẫn mong muốn được xây dựng thương hiệu riêng, tự do sáng tạo các mô hình kinh doanh theo ý mình. Chị Thanh Hà (chủ xe bánh mì tại đường Trà Quý Bình, phường 2, TP.Tân An) bộc bạch: “Cũng có nhiều thương hiệu mời tôi phát triển nhượng quyền xe bánh mì nhưng tôi muốn được làm theo ý mình nên đã tự tìm hiểu giá xe đẩy, nguồn lấy bánh mì, công thức làm,... Tôi nhận thấy việc tự mình mở ra kinh doanh sẽ thoải mái hơn, không bị ràng buộc thương hiệu cũng như nguyên liệu,...”.

Nhắc đến KDNQ, nhiều người nghĩ đến các thương hiệu lớn: Highlands coffee, Phúc Long, Passio coffee, Pizza Hut, KFC, Jollibee,... Tuy nhiên, đối với những thương hiệu này thì số vốn bỏ ra ban đầu khá lớn, không phù hợp để các bạn trẻ chọn làm mô hình kinh doanh khởi nghiệp.

Anh Trần Tuấn Hợp với hơn 5 năm kinh nghiệm làm quản lý cửa hàng Highlands coffee (chi nhánh quận 11, TP.HCM) cho hay: “Highlands coffee là mô hình kinh doanh có lợi nhuận cao, mặc dù là thương hiệu mạnh có số lượng lớn khách hàng thân thiết nhưng thời điểm này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì chi phí nhượng quyền hơn 3 tỉ đồng là khá lớn nên số lượng khách hàng tham gia nhượng quyền thương hiệu này còn nhiều hạn chế”.

Theo thông tin truyền thông, Tổng Giám đốc Jollibee Việt Nam - Lâm Hồng Nguyễn cho biết, nhà máy cung ứng của Jollibee được đặt tại Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng, huyện Cần Giuộc với tổng diện tích hơn 10.000m2 và trên cả nước đã có hơn 150 cửa hàng bán lẻ. Điều này càng khẳng định lợi thế của việc KDNQ, rút ngắn tốc độ phát triển mở rộng.

Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Trường Cao đẳng Long An, phụ trách hỗ trợ việc khởi nghiệp cho sinh viên của trường - Thạc sĩ Lê Thị Dung nhận định: “KDNQ mang lại nhiều lợi ích rõ ràng nhưng cũng đi kèm với những rủi ro cần phải cân nhắc. Theo đó, việc KDNQ các lĩnh vực phổ biến hiện nay như ăn uống, bán lẻ, xe cà phê, thời trang, chuỗi bánh mì, gà rán/đồ ăn vặt,... phù hợp với các bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp nhưng thiếu kinh nghiệm và chiến lược kinh doanh thì KDNQ là sự lựa chọn sáng giá.

Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro thì trước khi quyết định nhượng quyền, người thực hiện nên trải nghiệm nhiều ở quán ăn, quán cà phê,... hoặc có thể xin làm việc trong môi trường đó để học hỏi thêm từ thực tế, tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định rõ ràng các lợi ích và rủi ro, tính toán kỹ các chi phí nhượng quyền, mặt bằng, nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao, bảo hành, bảo dưỡng định kỳ,... từ đó đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp nhất”./.

Tô An

Chia sẻ bài viết